Dự án nạo vét kết hợp khai thác cát: Cấp phép dễ dãi, giám sát lỏng lẻo

ANTD.VN - Doanh nghiệp núp dưới danh nghĩa nạo vét luồng lạch để khai thác cát kiếm lời trong khi vai trò giám sát, quản lý của đơn vị cấp phép thì gần như bằng không.

Tình trạng núp bóng nạo vét tranh thủ khai thác cát diễn ra phổ biến

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ GTVT dừng việc cấp phép mới các dự án nạo vét luồng lạch để chấn chỉnh và rà soát lại. Sắp tới, có thể công việc này sẽ giao về cho các địa phương cấp phép thay vì để Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GTVT) cấp phép dẫn tới tình trạng không quản lý được như hiện nay.

Thực tế, không chỉ dự án nạo vét, khai thác cát trên sông Cầu (Bắc Ninh) mới có tình trạng doanh nghiệp núp bóng để tận thu, khai thác cát mà qua thanh tra, kiểm tra cho thấy, hầu hết các dự án đều có tình trạng này. Việc cấp phép dễ dãi và không hậu kiểm chặt chẽ đã vô tình giúp các doanh nghiệp mạnh tay hút cát bán kiếm lời.

Doanh nghiệp chỉ thích hút cát bán 

Năm 2016, Bộ GTVT đã thanh tra các dự án nạo vét, duy tu luồng lạch và kết quả cho thấy, trong 71 dự án có nhà đầu tư tham gia, có đến 47 dự án có vị trí do nhà đầu tư tự đề xuất và được phê duyệt. Nhưng đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 1 dự án hoàn thành.

Kiểm tra các doanh nghiệp tham gia nạo vét cho thấy sự không chuyên nghiệp trong tổ chức, phần lớn là những công ty kiểu “chắp vá”, không có đầy đủ bộ máy nhân sự, lao động không có chuyên môn, đặc biệt, phương tiện tham gia nạo vét phần lớn được các nhà thầu thuê lại của các chủ phương tiện.

Đáng nói, tại nhiều dự án, thanh tra còn phát hiện một số công ty đã đưa vào những trang thiết bị, tàu hút cát không nằm trong danh mục phương tiện phục vụ dự án. Một số doanh nghiệp sử dụng những tàu hút cát công suất lớn như tàu hút 1.010 CV, tàu hút 1.300 CV, tàu kéo 400 CV... nhưng đơn vị quản lý là Cục Đường thủy nội địa Việt Nam lại không có biện pháp nào ngăn chặn hoặc xử lý. Thậm chí, có những dự án nạo vét chưa được Bộ GTVT, chính quyền sở tại đồng ý nhưng nhà đầu tư vẫn nạo vét, khai thác cát!

Đoàn thanh tra cũng chỉ ra, dưới tác động của kinh tế thị trường, nhà đầu tư luôn muốn tối đa hóa lợi nhuận trong việc tận thu sản phẩm nên chỉ quan tâm đến việc nạo vét tại những vị trí có cát, sỏi để có thể tận thu, không thực hiện nạo vét luồng theo chuẩn tắc được phê duyệt. Sau khi ký hợp đồng thực hiện dự án với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, các nhà đầu tư đã thuê các chủ phương tiện tự bố trí nhân lực, phương tiện để thực hiện nạo vét, sau đó bán sản phẩm tận thu cho tổ chức, cá nhân ngoài thị trường.

Chặn lợi ích nhóm

Bộ GTVT hiện đang quản lý, khai thác 137 tuyến đường thủy nội địa quốc gia với chiều dài 7.071km. Hiện tại, toàn quốc đang có 66 dự án được cấp phép nạo vét, trong đó 42 dự án triển khai chậm nên đã bị chấm dứt, hiện còn 14 dự án và sẽ kết thúc trong năm 2017. Để siết chặt việc nạo vét luồng lạch, kết hợp tận thu sản phẩm, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chấp thuận để Bộ này xây dựng Nghị định quy định nạo vét luồng đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa; trong đó có phần sử dựng vốn ngân sách Nhà nước và kết hợp tận thu sản phẩm, không sử dụng ngân sách Nhà nước.

Đồng thời, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố không quy hoạch thăm dò, khai thác cát sỏi lòng sông thuộc diện tích các khu vực nạo vét, khơi thông luồng hàng hải, đường thủy nội địa quốc gia đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Việc Bộ GTVT dừng cấp phép các dự án nạo vét mới theo chỉ đạo của Chính phủ chỉ giúp làm tạm lắng tình trạng núp bóng nạo vét để hút cát, sỏi lòng sông bán kiếm lời. Theo nhìn nhận của PGS. TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam), việc khai thác tài nguyên dưới lòng sông để bán mang lại siêu lợi nhuận.

“Chúng ta cứ gọi là “cát tặc” nhưng thực chất là có lợi ích nhóm và bảo kê. Các đối tượng hút cát trái phép thường dùng những tàu công suất lớn để hút và chở cát đi, thậm chí người dân nhiều địa phương bức xúc ra chặn còn bị đe dọa thì sao có thể nói họ lén lút khai thác, đây là công khai hút cát”, PGS.TS Đào Trọng Tứ bày tỏ.

Theo PGS.TS Đào Trọng Tứ, việc khai thác bừa bãi, không tuân thủ quy định gây tác động rất lớn đến hệ thống sông ngòi. Ở nhiều dòng sông, mực nước đã và đang có xu hướng hạ thấp như sông Hồng, sông Lô và một trong những nguyên nhân là do khai thác cát bừa bãi gây xói lòng sông và xói lở bờ bãi ngày càng dữ dội.

“Chính phủ cần phải vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt để chấn chỉnh lại việc nạo vét sông và khai thác cát. Các bộ, ngành như Bộ GTVT được giao quản lý các tuyến đường sông quốc gia, được cấp phép các dự án nạo vét luồng lạch mà để tình trạng núp bóng khai thác cát thì trách nhiệm ra sao? Phải chặn đứng lợi ích nhóm trong khai thác cát”, PGS.TS Đào Trọng Tứ đặt vấn đề.