Điểm nào không triển khai phần mềm quản lý tiêm chủng sẽ bị xử lý

ANTD.VN - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, từ ngày 1-4 tới, điểm tiêm chủng nào của thành phố không triển khai phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia sẽ bị xử lý.

Tới đây, trẻ đi tiêm chủng sẽ không cần sổ mà thông tin tiêm chủng được quản lý toàn bộ bằng phần mềm

Trong năm 2017, Hà Nội quyết đạt được chỉ tiêu tiêm chủng đầy đủ 8 loại vaccine cho trẻ em dưới 1 tuổi và nâng đáng kể tỷ lệ trẻ được tiêm đầy đủ các loại vaccine. Để đạt được mục tiêu này, công tác quản lý tiêm chủng của thành phố sẽ có nhiều sự thay đổi mạnh mẽ.

Chưa đủ… máy tính

Ngay trước thời điểm Bộ Y tế chính thức khai trương phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia vào cuối tuần qua, Sở Y tế Hà Nội cũng đã tổ chức phổ biến và chỉ đạo triển khai thực hiện phần mềm này. Trước đó, Hà Nội cũng đã tổ chức 44 lớp đào tạo cấp chứng chỉ cho cán bộ làm công tác tiêm chủng; 30 lớp tập huấn về sử dụng phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng… để nâng cao hiệu quả công tác tiêm chủng trên địa bàn.

Đồng thời, Hà Nội cũng là 1 trong 5 địa phương đầu tiên của cả nước đã triển khai thí điểm phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ… Dù vậy, theo nhận định của chính Sở Y tế Hà Nội, để 100% cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thành phố có thể triển khai được phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia từ ngày 1-6 tới đây theo chỉ đạo của Chính phủ là mục tiêu không hề đơn giản.

TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội cho biết, khó khăn đầu tiên trong công tác tiêm chủng của thành phố là tình trạng dân cư di biến động lớn, khó quản lý đối tượng tiêm chủng. Mặt khác, do chưa triển khai hết phần mềm tiêm chủng tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ nên số liệu trên hệ thống phần mềm hiện tại chưa phản ánh đúng kết quả tiêm chủng của toàn thành phố.

Một số cơ sở tiêm chủng hiện vẫn không đủ máy tính, đường truyền internet không ổn định khi thực hiện phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng. Bên cạnh đó, phần mềm tiêm chủng chưa thực sự thuận tiện cho các cơ sở tiêm chủng khi thực hành, bằng chứng là tiêm chủng dịch vụ phải nhập bằng hai phần mềm khác nhau.

Song khó khăn lớn hơn, theo Giám đốc TTYTDP TP Hà Nội, là nhân lực tham gia hoạt động tiêm chủng ở các tuyến của thành phố không ổn định, năng lực không đồng đều. Chỉ có 43% quận, huyện có cán bộ chuyên trách tiêm chủng ổn định trên 2 năm; 23% cán bộ chuyên trách tiêm chủng quận, huyện có kinh nghiệm về hoạt động tiêm chủng nhưng không thành thạo máy tính, 33% chuyên trách quận, huyện thành thạo máy tính nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm về hoạt động tiêm chủng…

Sẽ tiêm chủng mở rộng theo tuần

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định, thực hiện quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia bằng phần mềm vừa có lợi cho cơ sở tiêm chủng, vừa có lợi cho người dân, có lợi cho nhà nước nên thành phố đặt mục tiêu phải quyết tâm thực hiện cho tốt.

Không chỉ tại 100% xã phường mà tất cả cơ sở tiêm chủng dịch vụ và cả cơ sở tiêm chủng ở bệnh viện cũng phải bắt tay vào triển khai ứng dụng phần mềm tiêm chủng này. Muốn vậy, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị các đơn vị tiêm chủng cần nhanh chóng khắc phục khó khăn, chuẩn bị nhân lực, máy tính, máy đọc mã vạch, nâng cấp cải tạo hệ thống mạng... để 1-4-2017 sẽ triển khai thực hiện ở 100% cơ sở có tiêm chủng vaccine viêm gan B liều sơ sinh và tiêm chủng dịch vụ; đến 1-7-2017 tất cả các cơ sở tiêm chủng thực hiện thống kê báo cáo hoàn toàn bằng phần mềm.

“Sở Y tế sẽ phối hợp với các quận, huyện để thanh tra, kiểm tra công tác tiêm chủng. Trong đó, ngoài các nội dung thanh tra, nếu nơi nào không triển khai phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia sẽ xử lý theo đúng quy định. Nếu cơ sở tiêm chủng của trung ương trên địa bàn thành phố không triển khai phần mềm này, Sở Y tế cũng sẽ có văn bản báo cáo Bộ Y tế để xử lý. Còn các cơ sở tiêm chủng dịch vụ không đảm bảo đúng theo quy định của Bộ Y tế sẽ bị đóng cửa”, ông Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh.

Vẫn theo ông Hoàng Đức Hạnh, bên cạnh việc tổ chức đào tạo, tập huấn về an toàn tiêm chủng và tập huấn cho cán bộ về công tác thống kê, báo cáo, sử dụng phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia, Sở Y tế Hà Nội sẽ triển khai thí điểm mô hình tổ chức buổi tiêm chủng thường xuyên định kỳ hàng tuần để tăng cơ hội cho đối tượng tiêm chủng đầy đủ.

“Mục tiêu cuối cùng của tiêm chủng là giảm tỷ lệ mắc, tử vong do các bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng bệnh, điều này đòi hỏi trẻ phải tiêm chủng đầy đủ, tiêm chủng đúng lịch đạt tỷ lệ cao. Muốn vậy, đã đến lúc công tác quản lý tiêm chủng phải có sự thay đổi, dịch vụ và chất lượng tiêm chủng yêu cầu phải cao hơn.

Thời gian tiêm chủng cũng cần thay đổi, thay vì mỗi tháng thực hiện tiêm trong 2 ngày hoặc 2 đợt thì hiện tại Sở Y tế Hà Nội đang làm thí điểm tiêm chủng hàng tuần tại quận Long Biên, tiến tới tiêm chủng mở rộng theo tuần trên phạm vi toàn thành phố” - ông Hoàng Đức Hạnh nói và yêu cầu TTYT các quận/ huyện/ thị xã của thành phố xây dựng kế hoạch tiêm chủng phù hợp, thực hiện quản lý tốt các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn.