Đi tìm những ẩn số đóng dấu "mật" về Nguyễn Ái Quốc ở nước Pháp

ANTD.VN - Một năm tiếp cận, nghiên cứu, ghi hình tại Pháp và mất 5 tháng làm hậu kỳ - nhà báo Trần Thu Hà, Ban Truyền hình Đối ngoại, Đài Truyền hình Việt Nam cùng ê-kíp làm phim của mình gần như mất hút. Đến khi bộ phim tài liệu “Nguyễn Ái Quốc, ẩn số từ nước Pháp” được phát sóng trong khung giờ phim đặc biệt, chúng tôi - hai người bạn, hai đồng nghiệp mới có thời gian ngồi lại với nhau để kể lại hành trình đến với nước Pháp đi tìm những tài liệu đóng dấu “mật” về Nguyễn Ái Quốc. 

Đi tìm những ẩn số đóng dấu "mật" về Nguyễn Ái Quốc ở nước Pháp ảnh 1Thẻ thư viện của Nguyễn Ái Quốc thu thập được tại Trung tâm Lưu trữ Sở Cảnh sát Pháp

“Tài liệu” và “nhân chứng” 

1 năm lăn lộn với bộ phim tài liệu đề tài về Nguyễn Ái Quốc, với nhà báo Trần Thu Hà, mọi thứ đã tạm khép lại, nhưng với chị, sau khi bộ phim lên sóng vẫn để lại trong chị nhiều nuối tiếc, day dứt. Bởi theo chị, không có đủ thời gian, vật lực để tiếp tục nghiên cứu khối tài liệu khổng lồ về hoạt động của Nguyễn Ái Quốc đang được lưu giữ tại các trung tâm lưu trữ, thư viện của Pháp.

“Tôi tin rằng sẽ còn nhiều điều chưa được lý giải về cuộc đời, hoạt động của Người chưa được đề cập tới. Nếu có nhiều thời gian hơn, tôi tin chắc sẽ còn nhiều thông tin hữu ích thông qua khối tài liệu đồ sộ này tại Pháp”, nhà báo Trần Thu Hà chia sẻ.   

…“Ban đầu, khi được giao nghiên cứu thực hiện phim tài liệu hành trình của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp, chúng tôi bắt tay vào nghiên cứu, gặp các chuyên gia nhưng ý tưởng vẫn chưa được hình thành. Thú thật, chúng tôi rất lo vì phim về Bác đã được nhiều đạo diễn trong nước lẫn quốc tế thực hiện nên việc tìm ra góc độ mới cho bộ phim để đưa tới khán giả là bài toán học búa. Trước đó, chúng tôi chưa từng nghĩ sẽ làm phim tài liệu về Bác vì chưa đủ tự tin.

Mặt khác, các hình ảnh tư liệu thời kỳ Bác ở Pháp, giai đoạn 1919-1923 không thể có, ngoại trừ 2 bức ảnh vẫn thường thấy trên các tài liệu: Một tấm ảnh khi Bác là đầu bếp trên con tàu La Touche Tréville và tấm thứ hai tại Hội nghị Tours năm 1920. Bạn sẽ kể như thế nào trong bộ phim dài chừng 50 phút với từng đó chất liệu hình ảnh mà không lặp lại nội dung của các bộ phim tài liệu khác? Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mày mò tìm đọc tài liệu tiếng Pháp, tiếng Anh trong các sách nghiên cứu về Bác của các tác giả nước ngoài.

Trong quá trình đọc, tôi tự đặt câu hỏi vì sao các tác giả lại có nguồn thông tin về Bác nhiều đến vậy và nghĩ, các tài liệu, thông tin tra cứu gốc sẽ giữ vai trò quan trọng, nhờ đó, các nhà nghiên cứu mới có thể đưa ra các phân tích, lập luận và hình thành nên các tác phẩm của mình. Nói đến sử thì tôi nghĩa tới hai từ: “tài liệu” và “nhân chứng”. 

Chúng tôi đã đề cập với cố vấn nội dung cho bộ phim và tác nghiệp cùng đoàn tại Pháp, đó là Thạc sỹ Nguyễn Thu Hà, nguyên cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh về vấn đề: Trong quá trình nghiên cứu, phụ trách công tác sưu tập hiện vật, tài liệu về Bác hơn 30 năm thì đâu là nguồn tài liệu gốc mà các nhà nghiên cứu hay tiếp cận?

Cũng chính từ đây, ý tưởng về bộ phim “Nguyễn Ái Quốc, ẩn số từ nước Pháp” ra đời. Bộ phim dựa vào các nguồn tài liệu theo dõi của các cơ quan An ninh Đông Dương, Cảnh sát Pháp đối với Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từ năm 1919 đến năm 1955. Tuy nhiên, vì số lượng tài liệu đồ sộ lên đến hơn 9.000 trang nên chúng tôi chỉ có thể chọn giai đoạn 1919-1923 để nghiên cứu. Riêng giai đoạn này, hồ sơ theo dõi về Bác cũng đã gần 1.000 trang”…  

Đi tìm những ẩn số đóng dấu "mật" về Nguyễn Ái Quốc ở nước Pháp ảnh 2Tái hiện bối cảnh cuộc sống của Nguyễn Ái Quốc tại Thủ đô Paris, Pháp 

Hành trình trên nước Pháp khám phá kho tài liệu “mật”

Tài liệu gốc về Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh thực sự là kho hồ sơ quan trọng để tham khảo và tìm hiểu về hành trình giành lại độc lập cho dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Tôi muốn nhấn mạnh, đó là góc nhìn rất khách quan, được ghi chép lại bởi các mật thám Pháp, Cảnh sát Pháp và các đơn vị được phân công theo dõi hành động của Nguyễn Ái Quốc tại Pháp cho tới khi Người trở thành Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, nhà báo Trần Thu Hà cho biết. 

Phần lớn các nhà nghiên cứu của cả Việt Nam và nước ngoài tiếp cận nguồn tài liệu theo dõi Nguyễn Ái Quốc tại Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại Pháp, vùng Aix en Provence - đây là nguồn sử liệu đầy đủ và quan trọng về Bác giai đoạn 1919-1955. Tuy nhiên, phần lớn các tài liệu “sao chép” nội dung từ các đơn vị an ninh, quản lý người nhập cư Đông Dương của Pháp chuyển về lưu trữ. Phiên bản tài liệu gốc rất hạn chế. Ngoài ra, một số tài liệu chưa đủ thời gian giải “mật” để có thể chuyển tới độc giải nghiên cứu tại Trung tâm, bao gồm cả một số tài liệu thuộc quyền quản lý của Trung tâm Lưu trữ Cảnh sát Pháp, trụ sở tại Thủ đô Paris. 

“Thật may mắn, chúng tôi đã có thể tiếp cận nguồn sử liệu của Trung tâm Lưu trữ Cảnh sát Pháp sau một thời gian liên hệ và thuyết phục cho phép ghi hình tại trung tâm. Hành trình trên đất Pháp, mất nhiều thời gian nhất là nghiên cứu, đối chiếu các nguồn tài liệu và thuyết phục chuyên gia của Pháp đồng ý trả lời phỏng vấn. Khâu khó khăn nhất phải kể tới việc xin phép ghi hình tại các đơn vị hành chính của Pháp. Việc xin ghi hình ở quốc gia nào cũng có quy định chặt chẽ. Cá nhân tôi thấy, có lẽ ở Pháp là nguyên tắc và mất nhiều thời gian hơn cả, đặc biệt là ghi hình tại các nơi công cộng.

Đơn cử một ví dụ, khi ghi hình tại Vườn Luxembourg, Paris, thuộc quyền quản lý của Thượng nghị viện, chúng tôi cũng mất nhiều thời gian để được phép sử dụng bối cảnh quay tại đây. Ngoài ra, chúng tôi còn khá nhiều điều kiện ràng buộc về hình ảnh. Nguyên tắc vậy nhưng người Pháp cũng rất tốt bụng khi họ hiểu mục đích của chúng tôi. Vì không có dự định trước, chúng tôi xin phép ghi hình trong Cảng Marseille - ngay đúng tọa độ mà con tàu chở Nguyễn Ái Quốc cập cảng. Đây là địa điểm cấm khách vãng lai.

Sau khi xác định phát sinh hình ảnh, thời gian lại có hạn, chúng tôi loay hoay liên hệ qua điện thoại với các đầu mối hành chính Pháp. Không ai biết chúng là ai vì chưa có giấy tờ gửi trước qua fax hoặc email. Cuối cùng, sau khi trình bày, thuyết phục, chúng tôi đã được cấp phép trong đúng 2 giờ đồng hồ. Khi đến lấy giấy phép, người quản lý còn nhắn nhủ với thái độ rất dễ mến: “Đây là điều chưa từng có tiền lệ khi cấp phép trong thời gian quá ngắn. Các bạn thật sự may mắn!”…  

Đi tìm những ẩn số đóng dấu "mật" về Nguyễn Ái Quốc ở nước Pháp ảnh 3Phỏng vấn nhà nghiên cứu Dominique de Miscault

Đi tìm những ẩn số đóng dấu "mật" về Nguyễn Ái Quốc ở nước Pháp ảnh 4Phỏng vấn nhà báo, nhà văn Madelaine Riffaud

Đi tìm những ẩn số đóng dấu "mật" về Nguyễn Ái Quốc ở nước Pháp ảnh 5Phỏng vấn nhà sử học Pierre Brocheux

Đi tìm những ẩn số đóng dấu "mật" về Nguyễn Ái Quốc ở nước Pháp ảnh 6Phỏng vấn nhà sử học Daniel Héméry 

Đi tìm những ẩn số đóng dấu "mật" về Nguyễn Ái Quốc ở nước Pháp ảnh 7Ghi hình tại Liên đoàn Lao động Pháp - Tờ báo Người lao động

Những điều còn mãi… 

“Điều tuyệt vời nhất mà tôi và đoàn làm phim được tiếp cận, đó là những gì chúng tôi đọc được trong các tài liệu của Pháp là những thông tin tôi chưa từng được đọc và biết tới. Lật giở từng trang tài liệu là mở ra rất nhiều các thông tin quý báu. Thú vị là khi từng câu, từng chữ đọc được không đơn thuần là những con chữ mà biến thành cuốn phim sống động thời kỳ Bác ở Pháp. Bất ngờ hơn cả là mật thám Pháp còn chép tỉ mỉ từng đoạn hội thoại của Bác trong các cuộc tiếp xúc, dò hỏi; qua đó có thể thấy được sự khéo léo và thiên tài của Người trong mọi hoàn cảnh. 

Khi nói về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các sự kiện, bối cảnh lịch sử liên quan tới hành trình của Bác, đặc biệt là đưa ra các thông tin hoàn toàn mới, do đó từng từ sử dụng trong lời bình hay từng thông tin đưa ra, chúng tôi đều rất cẩn trọng, đảm bảo sự chính xác và có bằng chứng, giải thích rõ ràng. Chúng tôi đã nghiên cứu lượng kiến thức lịch sử đồ sộ. Từng thông tin, sự kiện lịch sử như Phong trào Cần Vương; Duy Tân; Chính sách “Pháp Việt đề huề”; Đảng Xã hội; Đảng Cộng sản; Chủ nghĩa thực dân… hay dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt các từ “chuyên môn” trong các phỏng vấn chuyên gia, nếu không hiểu thì không thể dịch đúng được. Công việc chuyển ngữ mất nhiều thời gian. Chúng tôi phải tra cứu kỹ lưỡng và nhờ cố vấn trợ giúp để nắm được thông tin, sau đó tìm cách chuyển tải tới khán giả một cách dễ hiểu, dễ nắm bắt nhất.

Đối với các chuyên gia sử học Pháp, phần lớn họ đều đã lớn tuổi. Một số người đã mất và một số người đã lui về “ở ẩn”, hạn chế tiếp xúc với báo giới như nhà sử học Daniel Héméry hay Pierre Brocheux, Madelaine Riffaud… Họ đều là những người đã từng tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc các nhà sử học hàng đầu của Pháp nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Có những người không dùng thư điện tử. Chúng tôi gọi điện thoại từ Việt Nam sang liên hệ cũng thấp thỏm vì họ không nhấc máy hoặc từ chối trả lời phỏng vấn. Có người thì khi chúng tôi gọi từ Việt Nam, họ nhận lời, nhưng khi chúng tôi sang tới Pháp, họ lại từ chối. May mắn thay, chúng tôi đã thành công khi thuyết phục và phỏng vấn được tất cả các chuyên gia Pháp đó, cho dù bị từ chối nhiều lần”. 

12 tháng chìm đắm trong lượng thông tin khổng lồ hơn 1.000 trang tài liệu gói gọn lại trong 51 phút là những “khám phá” mới về Bác trong bộ phim “Nguyễn Ái Quốc, ẩn số từ nước Pháp”. Nhà báo Trần Thu Hà cho biết, đó là một công việc không hề dễ nhưng ê-kíp đã làm hết khả năng của mình - “Đáng tiếc nhất là chúng tôi chưa có đủ thời gian để nghiên cứu hơn 8.000 trang tài liệu còn lại về Bác đang được lưu trữ tại Pháp để có thể làm một bộ phim nữa về hành trình sau này. Một điều đáng tiếc nữa là chúng tôi đã phải cắt toàn bộ nội dung phân tích báo chí của Người qua khối tư liệu đã tìm thấy. Chúng tôi xin hẹn khán giả vào một chương trình khác để công bố những thông tin về Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới lát cắt - một nhà báo thiên tài”.