Đề xuất thu thuế tài sản không giải trình được chưa thuyết phục

ANTD.VN - Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định trình cả 2 phương án về xử lý tài sản bất minh mà Ban soạn thảo dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đề xuất để Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 5.

Phó Tổng Thư ký Quốc hội - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng (ngoài cùng bên trái) tại buổi họp báo trước kỳ họp thứ 5

Dù đã được cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp trước song dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) chắc chắn vẫn sẽ là một trong những dự án Luật được quan tâm nhiều nhất tại kỳ họp thứ 5-Quốc hội khóa XIV tới đây.

Trao đổi với báo chí, Phó Tổng thư ký Quốc hội - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, với tầm quan trọng của mình, dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét theo quy trình trong 3 kỳ họp và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm nay.

Trước đó, sau khi dự án Luật này được đưa ra thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 11-2017, Ban soạn thảo dự luật đã tiếp thu, giải trình ý kiến của ĐBQH để tiếp tục hoàn thiện và trình ra kỳ họp thứ 5 (khai mạc ngày 21-6) này để cho ý kiến lần 2.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đến thời điểm này, nhiều quy định của dự thảo Luật đã được sửa đổi nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, một số nội dung trong dự thảo Luật vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau cần được đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng và tiếp tục xin ý kiến Quốc hội.

Đặc biệt, ở quy định về xử lý tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm, hiện Chính phủ trình 2 phương án.

Phương án 1 là thu thuế 45% thuế thu nhập cá nhân đối với tài sản kê khai không trung thực hoặc giải trình không hợp lý.

Phương án 2 là xử phạt hành chính với mức phạt 45% giá trị của phần tài sản tăng thêm.

Theo ông Tùng, qua xem xét, Ủy ban Tư pháp - cơ quan thẩm tra dự án Luật này cho rằng, cách tiếp cận như vậy chưa thật sự phù hợp. Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết thêm, tinh thần là phải xử lý nghiêm, thu hồi tài sản do tham nhũng, vi phạm pháp luật mà có nhưng vẫn phải tôn trọng, bảo đảm quyền sở hữu tài sản đã được Hiến định. Nếu tài sản đó không phải là tài sản tham nhũng, tài sản do vi phạm pháp luật mà có nhưng vì lý do nào đó mà người kê khai chưa giải trình đầy đủ, thì tài sản đó không thể tịch thu một cách đương nhiên.