Đề xuất lấp 1ha hồ Thành Công: Vì sao ầm ỹ?

ANTD.VN - Sáng đầu tuần, cộng đồng mạng dậy sóng với thông tin Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng (Vihajico) đề xuất lấp 1ha hồ Thành Công để xây nhà tái định cư khi cải tạo lại khu tập thể Thành Công, đồng thời sẽ hoàn lại bằng cách đào bổ sung 1ha mặt nước về phía Bắc. Vì sao doanh nghiệp này lại mạnh dạn đề nghị điều chỉnh quy hoạch “nắn” lại hồ Thành Công?

Đây không phải lần đầu tiên có đề xuất lấp sông, hồ ở Hà Nội để phục vụ cho các dự án của doanh nghiệp. Cuối năm 2016, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội và một số ngành liên quan đề xuất cống hóa sông Kim Ngưu, đoạn từ đường Đại Cồ Việt đến đường Pháp Vân để làm bãi đỗ xe. Trước đó vài năm, một số hộ dân trú tại quận Hai Bà Trưng từng đề nghị các cơ quan chức năng cho cống hóa sông Kim Ngưu, đoạn từ phố Lò Đúc đến Đền Lừ, để mở đường giao thông, không phải di dân, GPMB.

Các đề xuất “đậy nắp” sông Kim Ngưu nói trên đều được các sở ngành chuyên môn của Hà Nội xác định là “là không có cơ sở để xem xét” và “không phù hợp với quy hoạch”. Nói cho dễ hiểu là sông, hồ đào thêm còn không được, không cho phép ai được lấp, nhất là vì mục đích kinh tế. Nay, với bề dày kinh nghiệm làm dự án của mình, biết rõ đề xuất lấp hồ và đào bù ở một góc khác là trái quy hoạch, Vihajico tỏ ra “thận trọng” và đề nghị điều chỉnh quy hoạch theo phương án họ đề xuất. Tuy nhiên, đề xuất “đúng quy trình” của doanh nghiệp này đã ngay lập tức vấp phải sự phản ứng gay gắt từ dư luận. Người dân, các chuyên gia kiến trúc, đô thị đều phản đối đề xuất lạ này bởi họ thực sự lo lắng cho những diện tích mặt nước đẹp đẽ còn sót lại của Hà Nội có thể bị “nuốt chửng” bởi các dự án bất động sản.

Khó có thể chối bỏ, một thời gian dài, ao hồ của Hà Nội từng bị san lấp rất nhiều. Cả người dân và doanh nghiệp đều ra sức làm việc này vì tư lợi. Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, việc bảo vệ các diện tích mặt nước còn lại, nhất là trong nội thành đã được Hà Nội siết lại chặt chẽ. Đầu năm 2010, thành phố đã phát động chiến dịch lớn cải tạo môi trường hồ Hà Nội, kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện các dự án kè bảo vệ 116 hồ còn lại ở nội thành và nhiều hồ lớn khác ở ngoại thành nhằm chống lấn chiếm, ô nhiễm. Lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ đều coi các hồ ở Hà Nội như những viên ngọc quý cần trân trọng. Thành phố luôn khuyến khích đào thêm hồ, nhất là ở các dự án bất động sản, để vừa tạo cảnh quan, vừa điều hòa không khí, môi trường, chứ không ai cho phép lấp ao hồ để xây nhà.

Hồ Thành Công, Ba Đình, Hà Nội nhìn từ trên cao (ảnh: Zing.vn)

Trở lại với dự án cải tạo khu tập thể Thành Công, vì sao Vihajico phải hứng chịu búa rìu dư luận, “vất vả” đề xuất điều chỉnh quy hoạch theo hướng lấp hồ, rồi lại đào bù ở một góc khác? Bên cạnh những lý do “vì người dân” như nhà đầu tư trình bày, cũng có ý kiến cho rằng, Vihajico làm vậy để toàn bộ phần đất thu lại được sau khi phá dỡ khu tập thể Thành Công sẽ có view hồ tuyệt đẹp. Và những tòa cao ốc Lake side, Cảnh hồ… sẽ mọc lên ngay giữa trung tâm quận Ba Đình với giá bán cắt cổ, để tối đa hóa lợi nhuận cho chủ đầu tư?

Khỏi phải nói, các dự án cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội vốn là miếng bánh khó xơi đối với các nhà đầu tư, kể cả các tập đoàn lớn, nhất là các dự án cải tạo lại các khu tập thể lớn. Tất cả các dự án lớn nhỏ đều kêu mất cân đối tài chính hay nói nôm na là sẽ bị lỗ vì thành phố kiểm soát nghiêm ngặt về quy hoạch. Đây là yêu cầu tối thiểu bởi nếu cứ cho phép chồng lên những tòa nhà 50-60 tầng giữa nội thành thì quy hoạch toàn thành phố sẽ bị phá vỡ, hệ thống hạ tầng vốn đã quá tải cũng không thể chấp nhận nhồi nhét thêm. Bài toán này vẫn đang chờ lời giải nhưng giải kiểu Vihajico thì “sáng tạo” quá, cũng chưa có tiền lệ nên dư luận có ào ào “ném đá” cũng là chuyện bình thường.

Tất nhiên, đây mới chỉ là đề xuất một phía từ nhà đầu tư. Thành phố không thể cấm nhà đầu tư, doanh nghiệp hay thậm chí một người dân nào đó nêu ý tưởng nhưng để trở thành hiện thực thì còn phải xem xét rất nhiều yếu tố, trong đó, đúng pháp luật và đạt được sự đồng thuận của người dân là một trong những yêu cầu quan trọng nhất.

Tới nay, chưa rõ Vihajico đã chính thức đề xuất phương án lấp - đào 1 ha hồ Thành Công nói trên tới sở ngành nào của Hà Nội hay mới chỉ “ném đá dò đường” ở cuộc hội thảo mới đây tại Sở Xây dựng nhưng thương hiệu “luôn quan tâm và theo đuổi chiến lược xây dựng các khu đô thị xanh, sạch, đẹp, giữ gìn bảo tồn môi trường sống” của doanh nghiệp này cũng đã sứt mẻ khá nhiều…