Đề nghị cơ chế đặc thù xây dựng gấp 4 công trình dân sinh bức xúc

ANTD.VN - UBND TP Hà Nội vừa kiến nghị Chính phủ cơ chế đặc thù để triển khai 4 công trình dân sinh bức xúc với tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng.

Đề nghị cơ chế đặc thù xây dựng gấp 4 công trình dân sinh bức xúc ảnh 1Hà Nội muốn đổi hơn 45ha đất để xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc

Theo UBND TP Hà Nội, các công trình dân sinh bức xúc cần phải đầu tư trong giai đoạn tới gồm: Dự án xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc (giai đoạn 1) để giải quyết tình trạng ô nhiễm nước và chống úng ngập cho các quận phía Tây Hà Nội; Dự án hệ thống thu gom nước thải về Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở để xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; Dự án chuyển nước từ sông Tích sang sông Đáy qua hệ thống kênh tiêu Săn - Thụy Đức để khôi phục lại dòng sông Đáy, cung cấp nước tưới cho các huyện phía Tây Hà Nội; Dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống trạm bơm tiêu Đông Mỹ.

Đổi hơn 45ha đất làm dự án công trình đầu mối Liên Mạc

Dự án xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc (giai đoạn 1) thuộc địa bàn quận Bắc Từ Liêm với số vốn đầu tư khoảng 4.272 tỷ đồng. Theo kiến nghị của UBND TP Hà Nội, dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Thành phố cũng đã dự kiến quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư là 15 ô đất chưa bàn giao tại khu đô thị mới Nam hồ Linh Đàm (10ha) và khu đất thuộc dự án Parkcity Lakeside (35,23ha).

Thời gian hoàn thành dự kiến trong năm 2018. Lý do đề nghị áp dụng cơ chế đặc thù để giải quyết tình trạng ô nhiễm nước về mùa kiệt, cung cấp nước tưới cho hạ lưu, đồng thời hỗ trợ chống úng ngập cho các quận phía Tây Hà Nội vào mùa lũ khi mực nước trong sông dâng cao.

Dự án hệ thống thu gom nước thải về Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở có quy mô đầu tư xây dựng 7 trục cống truyền tải chính chiều dài gần 60km, 9 trạm bơm trung chuyển nước thải và 1 trạm bơm công suất 5.000m3/ngày đêm để bổ sung nước mặt cho sông Kim Ngưu.

Địa điểm xây dựng trải dài trên quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và Thanh Xuân với diện tích đất sử dụng khoảng 9ha. Tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng, Hà Nội kiến nghị đầu tư theo hình thức BT hoặc BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Thời gian hoàn thành trong năm 2019, dự kiến quỹ đất để trả cho nhà đầu tư thuộc địa bàn quận Hoàng Mai. 

Cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian 

Dự án chuyển nước từ sông Tích sang sông Đáy qua hệ thống kênh tiêu Săn - Thụy Đức, sẽ cải tạo hơn 10km kênh đáy với chiều rộng 10m, bờ kênh kết hợp đường giao thông thuộc địa bàn huyện Thạch Thất. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 881 tỷ đồng, theo hình thức BT, quỹ đất được Hà Nội đề xuất thanh toán cho nhà đầu tư là 50ha đất thuộc địa bàn huyện Đan Phượng. Thời gian hoàn thành trong năm 2018. Lý do đề nghị Chính phủ cho áp dụng cơ chế đặc thù là để nhanh chóng khôi phục lại dòng chảy sông Đáy, cung cấp nước tưới cho địa bàn các huyện phía Tây Hà Nội. 

Dự án cuối cùng được UBND TP Hà Nội đề xuất Chính phủ xin cơ chế đặc thù để triển khai xây dựng sớm là cải tạo, nâng cấp hệ thông trạm bơm tiêu Đông Mỹ để tiêu úng cho 1.995ha khu vực huyện Thanh Trì, có lưu lượng thiết kế là 35m3/s, diện tích chiếm đất khoảng 25ha. Tổng vốn đầu tư khoảng 1.227 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức BT.

Quỹ đất để đối ứng cho nhà đầu tư là khu đất tại ô B3-3 phân khu đô thị S5 xã Tứ Hiệp, Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì (14ha), khu đất trại giống Thủy sản thuộc xã Thanh Liệt, Thanh Trì (9ha), thời gian hoàn thành trong năm 2018. Dự án giúp làm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường; Giảm tình trạng úng ngập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trong vùng.

Theo UBND TP Hà Nội, nếu tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các văn bản hướng dẫn sẽ cần nhiều thủ tục, trình tự với thời gian thực hiện lựa chọn nhà đầu tư và đàm phán, ký kết Hợp đồng để bắt đầu triển khai phải mất khoảng 700 ngày theo quy định. 

Còn theo phương án cơ chế đặc thù đề xuất, trình tự chuẩn bị đầu tư dự án PPP vẫn đầy đủ các quy trình, thủ tục theo quy định; chỉ kết hợp một số các trình tự, thủ tục có thể giải quyết đồng thời và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính của cơ quan Nhà nước, mà cụ thể là thực hiện lựa chọn đầu tư ngay sau khi đề xuất dự án được duyệt, và công bố theo quy định.

Các công việc còn lại về lập, trình duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, đàm phán hợp đồng, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tuân thủ theo quy định. Thời gian thực hiện chuẩn bị đầu tư cơ chế đặc thù sẽ được rút ngắn, còn khoảng 285/577 ngày đối với dự án nhóm B và 315/700 ngày đối với dự án nhóm A (giảm 50,6-55%).