ĐBQH Nguyễn Đức Kiên: Luật đã quy định là "giá" thì phải gọi là "giá", đừng nhìn bằng định kiến

ANTD.VN - Liên quan đến câu chuyện chuyển từ “thu phí BOT” sang “thu giá BOT”, trả lời báo chí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nêu quan điểm, Luật đã quy định là “thu giá” thì phải gọi là “thu giá”, quan trọng phải nhìn vào bản chất của sự việc.

ĐBQH Nguyễn Đức Kiên trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội

- Chuyển từ thu phí BOT sang thu giá BOT có giải tỏa được những bức xúc, ấn tượng không tốt của người dân về BOT trước đây hay không, nhất là việc nhiều người cho rằng BOT không minh bạch, thưa ông?

Đấy là mọi người cho rằng như vậy thôi. Trong quá trình thực hiện các dự án BOT, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã thanh tra, kiểm tra và giám sát. Dự án nào mà không đạt yêu cầu thì đều đã được Kiểm toán Nhà nước thông báo công khai. Dự án nào có sai phạm, có lồng lợi ích cá nhân vào trong đó thì thanh tra Chính phủ cũng đã vào cuộc.

Còn những dự án nào thực hiện đúng các văn bản quy định pháp luật ở thời điểm triển khai thì chúng ta phải tôn trọng, tránh tình trạng lấy mặt bằng pháp luật và quan điểm bây giờ để nhìn lại bối cảnh đất nước 5-7 năm trước đây thì rất khó so sánh.

- Phí do HĐND quyết định còn giá thì doanh nghiệp được tự định giá, tất nhiên vẫn có sự điều tiết của nhà nước. Có lo ngại rằng khi doanh nghiệp tự định giá BOT thì giá chủ yếu là tăng chứ ít giảm?

- Không nên đặt vấn đề theo kiểu định kiến như vậy. Chúng ta sống và làm việc theo pháp luật. Luật đã quy định là “thu giá” thì chúng ta gọi là “thu giá”, chứ không thể luật gọi là “thu giá” mà chúng ta bảo là “không, vẫn phải thu phí”. Rồi chúng ta quay trở lại bẻ với nhau là từ điển tiếng Việt rằng giá là thế này, phí là thế kia.

Với tư cách là người xây dựng luật, tôi có thể nói rằng Luật Giá có thể chưa bao hàm hết được 100% vấn đề của xã hội, nhưng ít nhất nó cũng bao quát được 85-90%, thì cứ để thực hiện đã, rồi sau đó chúng ta sẽ điều chỉnh. Vì hằng năm và 5 năm một lần, các cơ quan chức năng đều có đánh giá lại luật ấy.

Cho nên, chúng ta nên tôn trọng thực tiễn, tôn trọng cam kết của Chính phủ. Ở đây, phải nói rằng hai bên cùng có lợi chứ không phải riêng một bên nào có lợi.

Ở đây, phải nhìn vào bản chất của sự việc, xem việc thu giá làm con đường đó có hỗ trợ cho phát triển kinh tế xã hội cho địa phương hay không? có tạo thuận lợi cho người dân không? có giúp ích cho phát triển hay không?

Còn việc gọi là trạm BOT, hay là trạm thu giá BOT, hay trạm thu phí BOT, nó chỉ là một cái tên gọi thôi. Ở đây em là Hoa, là Lụa, nhưng ở quê em là H..., là Cà, chuyện ấy không quan trọng, bởi nó vẫn là em. Gọi là gì nó cũng chỉ là khái niệm thôi.

- Một số nhà nhà chuyên môn cho rằng Bộ GTVT đã đánh tráo khái niệm, bởi vì bất kỳ một khái niệm nào trong luật cũng phải bắt nguồn từ cơ sở ngữ nghĩa nào đấy, chứ không thể nói một cách mập mờ, vô nghĩa? Quan điểm của ông?

- Tôi không phải nhà chuyên môn trong ngôn ngữ học. Nhưng tôi là người sống và làm việc theo pháp luật. Bây giờ luật đó do Quốc hội ban hành và đã có hiệu lực rồi thì phải tuân theo.

Nếu Luật ấy quy định nó là “giá dịch vụ” thì tôi dùng từ “giá dịch vụ”. Còn bảo tôi nói như thế là không phản ánh đúng dư luận hay bức xúc của người dân… thì tôi nhận khuyết điểm, là bởi vì tôi nói theo luật.

- Xin cảm ơn ông!