Dân xây nhà, kinh doanh có phép nhưng vẫn có cán bộ đến "hỏi thăm sức khoẻ"

ANTD.VN - Đại biểu Nguyễn Văn Được nêu trước Quốc hội thực trạng người dân làm nhà, kinh doanh có phép nhưng vẫn có nhiều lực lượng chức năng khác đến nêu điều kiện, nếu không đáp ứng "sẽ thế này, thế khác".

Đại biểu Nguyễn Văn Được phát biểu trước Quốc hội

Sáng 5-11, thảo luận về công tác phòng chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Văn Được (đoàn Hà Nội) cho rằng thời gian qua cơ quan chức năng đã đưa ra xét xử một số vụ án lớn. Đây là tín hiệu đáng mừng nhưng chưa triệt để, vẫn còn vùng cấm, “giơ cao đánh khẽ” vẫn còn.

"Đề nghị cơ quan pháp luật phải xử lý nghiêm minh, nhất là trong thu hồi tài sản tham nhũng. Kể cả những trường hợp xử lý nội bộ, cũng phải công khai minh bạch mức xử lý, số tiền thu hồi để nhân dân được biết”, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam nói.

Đề cập thực trạng nhiều dự án xây trái phép, cán bộ sở tại "làm ngơ như không biết gì", theo ông Được, đây là điều “không chấp nhận được!”.

Ông dẫn chứng nhiều trường hợp người dân làm nhà, sửa nhà, làm kinh doanh dịch vụ buôn bán dù được cơ quan chức năng cho phép nhưng vẫn có nhiều lực lượng chức năng khác đến “hỏi thăm sức khoẻ”, nêu điều kiện nếu không đáp ứng “sẽ thế này, thế khác”.

“Đây là vấn đề nhức nhối, đề nghị cơ quan chức năng chấn chỉnh, giáo dục thật kỹ, thật tốt cán bộ của mình để lấy lại lòng tin, tín nhiệm của người dân”, đại biểu Nguyễn Văn Được nói.

Cùng bàn về công tác phòng chống tham nhũng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hoà Bình) cho rằng, không thể phủ nhận kết quả đạt được trong công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua, tuy nhiên như báo cáo của Chính phủ, tình trạng tham nhũng “vặt”, nhũng nhiễu, gây khó dễ cho người dân, doanh nghiệp.

“Điều gì đằng sau những toà nhà sai phép, nếu không phải là tham nhũng, làm ngơ trong công tác quản lý? Tình hình hàng giả, hàng kém chất lượng đâu chỉ là quản lý yếu kém? Gian lận trong thi cử vừa qua phải chăng là hậu quả của nạn tham nhũng…”, ông Sinh đặt vấn đề và cho rằng tham nhũng “vặt” nếu có sự chỉ đạo, làm ngơ, ăn chia của người đứng đầu một cách có hệ thống thì công tác phát hiện, ngăn chặn rất khó khăn.

Đồng tình với các giải pháp phòng chống tham nhũng mà Chính phủ đưa ra, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh đề nghị cần sớm thể chế hoá quy định của Trung ương về kiểm soát kiểm lực trong công tác cán bộ; hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm soát tài sản của cán bộ công chức; xây dựng quy định về cách chức, giáng chức cán bộ vi phạm; công khai danh sách bầu cử, bổ nhiệm công chức để nhân dân tham gia, đánh giá và giám sát.