Đại tu cầu Long Biên: Cấp bách nên phải chỉ định thầu

ANTĐ - Cầu Long Biên đang được đại tu với kinh phí lên tới 300 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2015. Đáng chú ý, đơn vị trực tiếp nhận nhiệm vụ đại tu cầu Long Biên lại ở Đà Nẵng.

Đại tu cầu Long Biên: Cấp bách nên phải chỉ định thầu  ảnh 1Quá trình đại tu cầu Long Biên dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2015 
(Trong ảnh: Thi công cải tạo cầu Long Biên sáng 28-7)

Chi 300 tỷ đồng đại tu cầu

Dự án gia cố, sửa chữa cầu Long Biên được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thẩm định và phê duyệt vào cuối tháng 7-2014. Trong đó giai đoạn 1, dự án sẽ gia cố đảm bảo an toàn cầu Long Biên phục vụ vận tải đường sắt đến năm 2025, với tổng kinh phí xấp xỉ 300 tỷ đồng, hoàn thành vào tháng  12- 2015. Giai đoạn 2 đặt mục tiêu, khôi phục, cải tạo cầu Long Biên phục vụ đường bộ đô thị sau khi dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) hoàn thành và đưa vào khai thác. 

Do tính chất cấp bách của dự án, Bộ GTVT đã ủy quyền cho Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR phê duyệt dự án. Ngoài ra, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch HĐTV VNR đã kiến nghị Bộ GTVT cho phép chỉ định thầu với các gói thầu tư vấn, xây lắp, bảo hiểm, kiểm toán của dự án. Theo đó, đơn vị được VNR chỉ định làm đại diện chủ đầu tư của dự án là Ban QLDA Đường sắt khu vực 2 (thuộc VNR) có trụ sở ở Đà Nẵng. 

Trong kiến nghị chỉ định thầu, VNR không hề đề cập đến năng lực cũng như khả năng chuyên môn của của các nhà thầu. Theo ông Trần Ngọc Thành, lý do VNR chỉ định thầu từ tư vấn đến thi công dự án là để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và các phương tiện thường xuyên đi qua cầu. Hơn nữa, cầu Long Biên đã quá tuổi thọ sử dụng, dự án cần được triển khai ngay và hoàn thành trong thời gian ngắn… 

Tháng 12-2015 sẽ hoàn thành

Trả lời phóng viên Báo An ninh Thủ đô liên quan đến việc giao cho Ban QLDA Đường sắt 2 ở tận Đà Nẵng làm đại diện chủ đầu tư, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc VNR cho biết, đây là một trong những Ban có năng lực, kinh nghiệm tốt nhất về quản lý dự án của tổng công ty. Đơn vị này có đủ điều kiện, kinh nghiệm trong công tác thiết kế và thi công công trình chuyên ngành đường sắt. Ngoài ra, tại thời điểm triển khai dự án khôi phục cầu Long Biên, Ban QLDA Đường sắt khu vực 1 đang… bận nhiều việc khác! 

Về việc VNR chỉ định thầu tư vấn đối với Công ty Tư vấn đầu tư và phát triển cầu Long Biên, VNR lý giải, do ngày 20-10-2014, Công ty này đã có văn bản gửi Chính phủ cảnh báo về cầu Long Biên, trong đó có đoạn: “Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tàn phá của bom đạn, chiến tranh, cầu Long Biên hơn 100 tuổi đã xuống cấp trầm trọng. Nếu không đại tu cấp bách, cầu có thể sập bất cứ lúc nào!”. Ông Đoàn Duy Hoạch cũng khẳng định, các nhà thầu được lựa chọn tham gia thiết kế và thi công có đủ điều kiện về năng lực, kinh nghiệm trong công tác thiết kế và thi công công trình chuyên ngành đường sắt đang khai thác, luôn đảm bảo chất lượng và tiến độ công trình.

Liên quan đến tiến độ của dự án, đại diện VNR cho biết, vấn đề khó khăn nhất là bố trí nguồn vốn đã được giải quyết, hiện các đơn vị thi công đang duy trì nhiều mũi thi công, từ 2 phía đầu cầu vào, đảm bảo tiến độ đề ra (tháng 12-2015).

Cầu Long Biên có ý nghĩa lịch sử, văn hóa quan trọng đối với người dân Thủ đô nói riêng và người dân cả nước nói chung. Cũng bởi vậy, sau nhiều lần bàn cãi, đến nay, cầu Long Biên mới chính thức được đại tu, nâng cấp. Tuy nhiên, từ nay đến năm 2025, cầu Long Biên sẽ tiếp tục phải gánh trọng trách một cây cầu đường sắt, chỉ đến khi tuyến đường sắt đô thị số 1 đi vào vận hành thì cây cầu mới được “giải phóng”, trở thành một không gian văn hóa như mong đợi.

Chưa tham vấn cơ quan quản lý văn hóa?
Đầu tháng 7-2015, cầu Long Biên chính thức bước vào đợt đại tu lớn. Toàn bộ các thanh sắt, dầm... hư hỏng và rỉ sét sẽ được thay thế. Những vị trí hư hỏng nặng, nguy cấp đã được sửa chữa, đảm bảo ATGT đến năm 2025.

Dù là cây cầu có ý nghĩa lịch sử, văn hóa quan trọng với Hà Nội nói riêng, người dân cả nước nói chung, nhưng phải đến ngày 15-7, khi cầu Long Biên đang được đại tu thì Sở VH-TT&DL Hà Nội mới có văn bản gửi VNR đề nghị trong quá trình triển khai lập dự án, chủ đầu tư cần tham vấn ý kiến các cơ quan chuyên môn về kiến trúc, văn hóa để đảm bảo khi cải tạo, nâng cấp vẫn giữ nguyên giá trị kiến trúc, lịch sử và văn hóa.