Đại biểu HĐND TP Hà Nội bức xúc vì cứ ùn tắc là xe máy tràn lên vỉa hè như nước vỡ bờ

ANTD.VN - ĐB Hoàng Huy Được chia sẻ, ông đã nhiều lần đi bộ trên vỉa hè Hà Nội và rất bức vì cứ ùn tắc giao thông là xe cộ tràn lên vỉa hè như nước vỡ bờ, lại còn bóp còi inh ỏi, đồng thời đề nghị Chủ tịch các quận Thanh Xuân, Đống Đa làm rõ trách nhiệm, giải pháp?
ĐB Hoàng Huy Được chia sẻ, ông đã nhiều lần đi bộ trên vỉa hè Hà Nội và rất bức vì cứ ùn tắc giao thông là xe cộ tràn lên vỉa hè như nước vỡ bờ, lại còn bóp còi inh ỏi, đồng thời đề nghị Chủ tịch các quận Thanh Xuân, Đống Đa làm rõ trách nhiệm, giải pháp?

ĐB Nguyễn Minh Đức (Thanh Xuân) chất vấn về tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường

Tại phiên chất vấn trước HĐND TP Hà Nội sáng nay, 6-12, nội dung được nhiều đại biểu (ĐB) HĐND TP quan tâm là tình trạng tái lấn chiếm vi phạm vỉa hè, lòng đường diễn ra phổ biến thời gian gần đây.

ĐB Nguyễn Minh Đức (quận Thanh Xuân) nêu thực trạng, sau một thời gian Ban Chỉ đạo 197 thành phố ra quân và thực hiện quyết liệt vào hồi đầu năm thì những tháng cuối năm này, tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè lòng đường, gây mất mỹ quan đô thị, bức xúc dư luận lại diễn ra nhức nhối. Đề nghị các Sở ngành liên quan nêu rõ lý do, ai chịu trách nhiệm chính trong việc để tái lấn chiếm vỉa hè lòng đường và giải pháp xử lý?

Chung mối quan tâm, ĐB Nguyễn Thế Vinh (Đống Đa) cho biết, tình trạng lấn chiếm vỉa hè lòng đường để làm bãi trông giữ xe, nhiều bãi trông giữ xe trái quy định, thu phí cao, thậm chí không vé, không biển, không chăng dây… khiến người gửi xe cũng không yên tâm, mất an toàn. ĐB đề nghị Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Đống Đa nêu rõ trách nhiệm cụ thể, giải pháp xử lý?

ĐB Hoàng Huy Được (Ba Vì) kể, ông nhiều lần đi bộ trên vỉa hè. “Khi tắc đường thì xe cộ tràn lên cả vỉa hè như nước vỡ bờ, còn bấm còn inh ỏi, lấn chiếm hết lối đi của người đi bộ, khiến người đi bộ trên vỉa hè cũng sợ tai nạn. Xin hỏi trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, Đống Đa nêu rõ trách nhiệm?” – ĐB Được hỏi?...

Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho biết, đúng là trên địa bàn quận này có 3 tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông là đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương và Khuất Duy Tiến. Đây là các tuyến đường xuyên tâm, buổi sáng thường tắc chiều đi từ ngoại thành vào nội thành Hà Nội, buổi chiều tắc theo hướng ngược lại. Nguyên nhân do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông quá đông.

Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu trả lời chất vấn

Để khắc phục, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, quận đang triển khai đồng bộ 5 giải pháp. Đầu tiên là tuyên truyền cho nhân dân và học sinh các trường học trên địa bàn về ý thức tham gia gia thông. Tuy nhiên việc này cần có sự phối hợp của các quận lân cận thì mới hiệu quả bởi lưu lượng người dân và học sinh, sinh viên ở các quận lân cận đi lại qua quận Thanh Xuân rất lớn.

“Chúng tôi mong muốn các quận trong khu vực tuyên truyền tới các trường đại học, trường học cho học sinh, sinh viên nghỉ, ra về muộn hơn một chút thời gian so với giờ tan tầm của công sở.

Với riêng quận Thanh Xuân hiện có 4,4 vạn học sinh, nếu tất cả cùng tan tầm một giờ, tương đương có 4,4 vạn phương tiện giao thông đổ ra đường một thời điểm, chắc chắn sẽ rất ùn tắc. Hiện các trường học trên địa bàn quận Thanh Xuân đã thực hiện cho học sinh nghỉ học muộn hơn 5-7 phút so với giờ tan tầm của công sở” – ông Lưu cho biết.

Giải pháp tiếp theo được Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân nêu ra là tổ chức phân luồng giao thông; tổ chức lại một số tuyến được một chiều; tăng cường xử phạt vi phạm hành chính các chủ giao thông vi phạm.

Cùng đó, quận đã thí điểm thành lập tổ tự quản 24/24 giờ tại 3 tuyến phố Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Nguyễn Xiển… Ông Nguyễn Xuân Lưu nhấn mạnh, với các giải pháp đó, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn quận đã giảm đáng kể.

Cũng giải trình câu hỏi chất vấn của các ĐB về nội dung này, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong cho biết, thực hiện kế hoạch 01 của Ban chỉ đạo 197 Thành phố, từ đầu năm đến nay quận đã xử lý được nhiều bãi trông giữ xe trái phép, không phép; cụ thể đã giải tỏa được 40 điểm, thực hiện cẩu về các bãi giữ xe tạm để xử lý trên 300 lượt xe các loạt; đồng thờ xử lý 1.024 xe đỗ trái phép.

Theo ông Phong, qua việc thực hiện các giải pháp đồng bộ, tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tư đô thị trên địa bàn quận Đống Đa đã có chiều hướng giảm, là một trong địa bàn được Ban chỉ đạo 197 thành phố đánh giá thực hiện tốt. Dù vậy, Chủ tịch quận Đống Đa cũng thừa nhận gần đây ở mốt số điểm trên địa bàn có trình trạng tái vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.

Thời gian tới, quận Đống Đa tập trung thực hiện 5 giải pháp. Đó là, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát các tuyến đường, tuyến phố đủ điều kiện để cấp giấy phép cho đỗ xe ở lòng đường; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra niêm yết giá ở các bãi trông giữ xe, điểm dừng đỗ xe và xử lý nghiêm vi phạm; ứng dụng công nghệ thu tiền qua tin nhắn; phối hợp cùng với CATP Hà Nội lắp đặt các camera theo dõi để xử lý phạt nguội các vi phạm.

Với trách nhiệm của Sở GTVT Hà Nội, Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện cho biết, việc cấp phép quản lý vỉa hè thuộc các quận/ huyện, Sở GTVT cấp phép quản lý lòng đường. Hiện các đô thị đều cho phép một số tuyến đường được sử dụng một phần lòng đường để làm điểm trông giữ xe, gọi là điểm giao thông tĩnh tập trung. Việc cấp phép các điểm giao thông tĩnh này phải căn cứ đúng quy định.

"Tuy nhiên trong quá trình sử dụng, các chủ bãi, chủ phương tiện có tình trạng vi phạm, lấn chiếm diện tích, hoặc đỗ xe sai quy định, dẫn tới lấn chiếm vỉa hè của người đi bộ và cả lòng được của người tham gia giao thông. Những vi phạm này thì phải thường xuyên kiểm tra, xử lý" - ông Viện nhấn mạnh.