Cục trưởng Kiểm lâm nhận trách nhiệm vụ trùm gỗ lậu Phượng "râu"

ANTD.VN - Liên quan đến vụ việc trùm gỗ lậu Phượng "râu" ở Đắk Nông, Cục trưởng Cục Kiểm lâm thừa nhận, lực lượng kiểm lâm cũng có người thế này người thế kia.

Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm Đỗ Quang Tùng, bày tỏ, tình trạng vi phạm quản lý bảo vệ rừng đã diễn ra dai dẳng từ rất nhiều năm. Hàng năm, trung bình có tới 20.000 vụ vi phạm về các quy định bảo vệ, phát triển rừng. Điều này cho thấy tính chất, mức độ vi phạm rất lớn.

Ông Tùng cảnh báo, trong tương lai, nguồn tài nguyên rừng sẽ càng bị chú ý, bởi rừng càng cạn kiệt thì càng quý và càng quý thì các đối tượng sẽ tiếp tục tàn phá. Bởi vậy, nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng luôn luôn là vấn đề nóng.

Cơ quan chức năng tiến hành khám xét trại lán của Phượng "râu".

Liên quan đến trách nhiệm bảo vệ rừng, ông Tùng cho rằng, nhiều khi cũng không hẳn do lực lượng kiểm lâm mỏng, lực lượng kiểm lâm thiếu nhưng có thể khẳng định do yếu và những vấn đề khác tác động nên hiệu quả hoạt động chưa như mong muốn.

Hơn nữa, trong việc bảo vệ rừng và quản lý các nông, lâm sản thực tế cho thấy, địa phương nào có sự vào cuộc của chính quyền địa phương thì kết quả tốt hơn.

“Cụ thể hơn, trong vụ việc ở Đắk Nông, cơ quan chức năng mới bắt giữ thêm 1 đàn em thân tín của trùm gỗ lậu Phượng “râu”, với trách nhiệm Cục trưởng Cục Kiểm lâm, lãnh đạo Cục Kiểm lâm, chúng tôi cũng thấy rõ được trách nhiệm, trước hết là trách nhiệm của kiểm lâm quản lý địa bàn – hạt kiểm lâm của địa phương; thứ nữa là trách nhiệm của các cơ quan chức năng tại địa phương.

Một doanh nghiệp lớn với nhiều thủ đoạn tinh vi như vậy một mình lực lượng kiểm lâm không làm được, chắc chắn phải có sự hỗ trợ, phối hợp của các lực lượng liên quan, còn một mình lực lượng kiểm lâm xử lý những vụ việc như thế này là rất khó”, ông Tùng cho hay.

Trong khi đó, ông Tùng cho rằng, rừng thì bị phá nhưng chưa ghi nhận vụ việc nào các lực lượng chức năng liên quan ngoài kiểm lâm bị kỷ luật, chưa lãnh đạo nào phải từ chức.

Cũng theo ông Tùng nhìn nhận: “Để xảy ra vụ việc như Phượng “râu” một phần do năng lực của kiểm lâm địa phương và chuyện nọ chuyện kia, có những cá nhân cá biệt, chuyện nọ chuyện kia chứ không phải là tốt cả”.

Quan điểm của Cục Kiểm lâm là tất cả các vi phạm đều phải xử lý nghiêm, nếu cái nào thuộc trách nhiệm, người của Cục thì Cục sẽ phải xử lý, cái nào không thuộc thẩm quyền của Cục thì Cục sẽ yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương xử lý nghiêm.

“Trong lực lượng kiểm lâm, dù mang tiếng thì cũng phải thừa nhận, có người thế này người thế kia”, ông Tùng bộc bạch.

Để hạn chế xảy ra những vụ việc như ở Đắk Nông, ông Tùng cho biết, sẽ tham mưu cho lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp xây dựng các chính sách cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

Thứ hai, đối với lực lượng kiểm lâm ở các địa phương chúng tôi luôn yêu cầu phải tăng cường sự phối hợp cũng như tham mưu cho các cấp chính quyền địa phương để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương; thứ ba, cần thực hiện các hoạt động về nâng cao nhận thức, thứ tư, không ngừng làm trong sạch đội ngũ kiểm lâm;

Phối hợp với các cơ quan chức năng để tập trung đấu tranh với các đầu nậu, vì các đầu nậu này thường là tội phạm lâm nghiệp, lực lượng kiểm lâm không làm được một mình nếu không có các lực lượng khác, chính quyền địa phương.

"Đối với kiểm lâm, chúng tôi rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ, phối hợp tích cực của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong công tác quản lý và bảo vệ rừng" - ông Tùng chia sẻ.