Cục trưởng Cục Chống tham nhũng: "Yêu cầu nộp đủ bản kê khai tài sản cũng đủ mệt mỏi"

ANTD.VN - Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng – Thanh tra Chính phủ chia sẻ, dù đã hết thời hạn yêu cầu, nhiều bộ ngành, địa phương vẫn không nộp báo cáo kê khai tài sản, phát hiện được trường hợp nào kê khai không trung thực thì càng… hy hữu.

Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt tại hành lang Quốc hội

Sáng nay, 13-6, bên lề phiên họp Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt đã trả lời phỏng vấn báo chí xung quanh dự luật được quan tâm này.

- Có ý kiến cho rằng, vừa qua, ngay trong các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng lại xảy ra tham nhũng, ông đánh giá thế nào?

- Thực tế có thể xảy ra một vài trường hợp tham nhũng ngay trong cơ quan chống tham nhũng. Nếu có thì cũng không có gì quá bất thường vì cơ quan chống tham nhũng cũng là một cơ quan như các cơ quan khác, cán bộ trong cơ quan này cũng là con người, công chức viên chức bình thường.

Thế nên, để phòng tránh được nguy cơ xảy ra tham nhũng thì phải tăng cường rèn luyện, quản lý nghiêm ngặt. Đặc biệt, với một cơ quan có chức năng chống tham nhũng thì càng phải giáo dục, quán triệt, rèn luyện cán bộ và hạn chế tối đa nguy cơ tham nhũng, phải xem đây là một nhiệm vụ hàng đầu.

- Cục Chống tham nhũng – Thanh tra Chính phủ là cơ quan có chức năng thanh tra, giám sát việc thực hiện quy định về PCTN trên cả nước. Vậy trong quá trình thực thi nhiệm vụ có những khó khăn gì, thưa ông?

- Những khó khăn về mặt cơ chế thì đang từng bước tháo gỡ, hoàn thiện. Còn thực tế thì đúng là rất khó khăn. Chẳng hạn ngay Cục Chống tham nhũng là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này của Thanh tra Chính phủ thì nhân sự cũng chỉ có vài chục con người, trong khi nhiệm vụ rất nặng nề.

Sự phân công, phân cấp xuống các địa phương cũng không ít vướng mắc. Thế , cần phải có sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị mới PCTN tốt hơn chứ không riêng một cơ quan nào có thể làm được.

Hay như trong lĩnh vực thực hiện quy định về kê khai tài sản, Thanh tra Chính phủ được giao trách nhiệm chính nhưng hiện cũng mới chủ yếu tổng hợp, nghe báo cáo là chính. Thẩm định các bản kê khai hiện cũng chưa làm tốt được. Không những không có công cụ mà luật pháp cũng chưa cho phép vì đã phân cấp rồi.

“Ngay việc chúng tôi yêu cầu các cơ quan, địa phương gửi báo cáo kê khai tài sản của cán bộ, công chức tại đơn vị về Thanh tra Chính phủ để tổng hợp báo cáo theo đúng quy định cũng mệt mỏi lắm, nhiều khi hết hạn cũng chưa thấy nộp. Đến bây giờ cũng còn nhiều cơ quan chưa nộp báo cáo về kê khai tài sản dù hết hạn rồi.

- Thảo luận dự án Luật PCTN sửa đổi, một số ĐBQH đề nghị cần phải có cơ quan độc lập kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Ý kiến của ông về vấn đề này?

- Độc lập hay không độc lập, đặt ở cơ quan này hay cơ quan khác thì quan trọng nhất vẫn chính là cơ chế, sự chỉ đạo và yếu tố con người. Trong đó, cơ chế để thực thi nhiệm vụ vẫn là yếu tố quyết định. Cơ chế phải chặt chẽ để làm sao các đối tượng không thể, không dám và không muốn tham nhũng.

Để tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế như trên, tới đây cần có một cơ quan chuyên về quản lý, lưu trữ, thẩm định, xác minh việc kê khai tài sản. Cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập này phải chịu trách nhiệm toàn bộ về quản lý kê khai tài sản. Có vậy mới thống nhất, mới có cơ sở pháp lý và mới triển khai hiệu quả được.

Chứ cứ như thời gian qua, ở các địa phương, bộ ngành có phát hiện được trường hợp nào kê khai tài sản không trung thực đâu, rất hiếm. Quốc hội cần tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này, còn yếu tố con người đã sẵn sàng hết rồi.

 

Đề xuất lập cơ quan độc lập kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ

Cục trưởng Cục Chống tham nhũng: "Yêu cầu nộp đủ bản kê khai tài sản cũng đủ mệt mỏi" ảnh 2

ĐBQH Nguyễn Văn Pha

Đóng góp ý kiến về Luật PCTN sửa đổi, ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cho rằng, để kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bô công chức như trong Dự thảo Luật này, cần thiết có một cơ quan độc lập để kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ công chức. Điều này có thể làm tăng biên chế nhưng với việc hệ trọng như phòng chống tham nhũng thì đáng để đầu tư.

Tranh luận lại với ĐB Cao Thị Xuân, ĐB Nguyễn Văn Pha (Nam Định) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, nếu lập một cơ quan độc lập kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ công chức nhằm PCTN như đề xuất trong dự thảo Luật PCTN sửa đổi không hề làm tăng biên chế.

“Bởi hiện nay, Việt Nam đang có 3 cơ quan có chức năng chống tham nhũng nằm trong Thanh tra Chính phủ, Viện KSND tối cao, Bộ Công an. Nếu quyết tâm thành lập một cơ quan mới thì hoàn toàn có thể lấy người từ đây để điều về, vừa có chuyên môn, kinh nghiệm lại không làm tăng biên chế bộ máy” - ĐB Pha phân tích.

ĐB Nguyễn Văn Pha cũng cho biết, ông vừa tháp tùng đoàn đi khảo sát vấn đề này tại Bungari, Rumani. Ở đó, Quốc hội thành lập 2 cơ quan, 1 cơ quan kiểm soát tài sản công chức, 1 cơ quan chống tham nhũng rất hiệu quả. “Vì vậy, Quốc hội nên thành lập cơ quan kiểm soát thu nhập cán bộ công chức và chịu sự chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội” - ông Pha đề xuất.