"Cử nhân đại học phải giấu bằng đi làm công nhân, xe ôm..."

ANTD.VN - Bên cạnh các vụ tiêu cực xảy ra tại kỳ thi THPT quốc gia 2018, đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng trước tình trạng nhiều cử nhân ra trường rơi vào cảnh thất nghiệp, phải đi làm công nhân, xe ôm công nghệ để kiếm sống.

Ngày 30-5-2019, thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long) cho rằng năng suất lao động Việt Nam còn thấp, việc đào tạo chưa sát thị trường.

Nguyên do là bởi cơ cấu đào tạo giữa học và làm đang mất cân đối.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long) 

"Cử nhân tốt nghiệp đại học lại giấu bằng cấp để đi làm công nhân, xe ôm công nghệ vì không xin được việc", bà Thanh nêu thực trạng và đề nghị kiểm soát chặt chẽ chất lượng đại học, có chính sách đào tạo nhân lực gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đào tạo nghề phải gắn với việc làm.

Cùng quan tâm vấn đề này, đại biểu Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) cho biết mỗi năm tỉnh nào cũng có hàng trăm sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường thiếu việc làm, chưa tính đến sinh viên cử tuyển.

"Những sinh viên này học hành, thi cử đầu vào tử tế, thậm chí học tại các trường tên tuổi nhưng đang tất tưởi kiếm việc làm, vì mưu sinh phải giấu bằng đại học để làm mọi việc", nêu thực trạng trên, vị đại biểu tỉnh Gia Lai đặt vấn đề: "Có phải đất nước ta đang quá dư thừa nguồn nhân lực đại học, sau đại học không? Các doanh nghiệp hiện tại và tương lai có thực sự cần hết nguồn nhân lực này, trong khi đó những thợ tay nghề giỏi, kỹ sư giỏi trực tiếp làm ra sản phẩm vẫn còn thiếu trầm trọng!?

Ông Vượt đề nghị cần nhìn nhận đánh giá, dự báo một cách khoa học, trách nhiệm nếu không đây sẽ là lãng phí lớn cho xã hội và gia đình, đồng thời chứa đựng tiềm ẩn bất ổn cho xã hội mà nguyên nhân là cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp.

Nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng không xin được việc phải làm công nhân, xe ôm công nghệ để mưu sinh (ảnh minh họa)

Vị đại biểu tỉnh Gia Lai cũng chỉ ra tình trạng một số tỉnh đua nhau nở rộ các phân hiệu trường đại học, kể cả đào tạo thạc sĩ mà dấu hiệu, mục tiêu làm kinh tế là chính, nhằm lợi dụng tối đa về đất, về tự chủ, cạnh tranh thu hút sinh viên bằng nhiều cách.

Ngay từ đầu vào, học hành giảng dạy khi tốt nghiệp ra trường với điểm cao chót vót, nhưng chất lượng hạn chế, chưa thể là thầy, chưa thể là thợ nhưng bố mẹ và sinh viên này có thừa kỹ năng luồn lách "đua" vào các cơ quan nhà nước.

"Nguồn lực này không chỉ khó đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mà đây còn là mầm mống trì trệ, ảnh hưởng không nhỏ tới bộ máy trong hệ thống chính trị, bởi thực thi công vụ theo kiểu "thu hồi vốn" hơn là mục tiêu phục vụ nhân dân", ông Vượt nói và đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo kiểm tra, chấn chỉnh và ngăn chặn tình trạng này nhằm tránh lãng phí, dàn trải nguồn lực của gia đình, tỉnh và quốc gia.