Công an không nhất thiết phải mặc sắc phục và căng dây khi bảo vệ hiện trường vụ án

ANTD.VN - Trong một số trường hợp khi tham gia bảo vệ hiện trường, cán bộ chiến sỹ Công an không nhất thiết phải mặc quân phục và căng dây...

Như tin đã đưa về việc liên quan đến việc phóng viên Trần Quang Thế, báo Tuổi trẻ TP HCM xâm nhập hiện trường vụ chết người ở cầu Nhật Tân, sau đó cơ quan công an điều tra xác định là vụ nhảy cầu tự tử. Khi không được lực lượng chức năng cho phép, phóng viên vẫn cố xâm nhập, dẫn đến xô xát giữa lực lượng bảo vệ hiện trường và phóng viên, khiến dư luận xôn xao, nhiều người cho rằng, hành động của lực lượng bảo vệ hiện trường là vi phạm Luật Báo chí, khi ngăn cản không cho phóng viên tác nghiệp.

Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về những nguyên tắc của việc bảo vệ hiện trường, cũng như quy định của Luật, xử phạt những người cố tình xâm phạm hiện trường, phóng viên An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi nhanh với Luật sư Đỗ Thái Hán – Trưởng văn phòng Luật sư DoHa.

Luật sư Đỗ Thái Hán - Trưởng văn phòng Luật sư DoHa

Phóng viên: Thưa Luật sư Đỗ Thái Hán, việc bảo vệ hiện trường vụ án phải dựa trên những quy định nào?

Luật sư Đỗ Thái Hán: Căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự việc bảo vệ hiện trường các vụ án phải được thực hiện một cách rất nghiêm ngặt, toàn bộ hiện trường vụ án, nơi trực tiếp xảy ra vụ án cũng như các khu vực xung quanh, có dấu hiệu hoặc khả nghi có dấu vết của nghi phạm trong vụ án. Do vậy, việc phong tỏa hiện trường trong một phạm vi rộng là điều rất cần thiết trong hoạt động điều tra để không bỏ lọt bất kỳ dấu vết nào của tội phạm.

PV: Người xâm phạm hiện trường không được cho phép thì vi phạm điều luật nào? Căn cứ theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý ra sao thưa Luật sư?

Luật sư Đỗ Thái Hán: Người xâm phạm hiện trường nếu không được phép tức là đã gây khó khăn, cản trở hoạt động điều tra, ảnh hưởng đến việc xác định dấu vết của tội phạm. Tùy theo mức độ vi phạm của người đó mà có thể bị xử phạt hành chính. Nếu có dấu hiệu về việc xóa dấu vết tội phạm hay có hành vi tạo hiện trường giả để gây khó khăn hoặc đánh lạc hướng điều tra thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

PV: Luật sư có thể cho biết, việc xâm phạm hiện trường các vụ án có thể gây ra những hậu quả gì?

Luật sư ĐỗThái Hán: Việc xâm phạm hiện trường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động điều tra như: làm mất dấu vết của nghi phạm, làm xáo trộn hiện trường, vô tình hoặc cố ý thêm các dấu vết ở hiện trường, khiến việc điều tra phải mở rộng, khó khăn hơn. Việc bảo vệ và khám nghiệm hiện trường phải được tiến hành rất tỉ mỉ, từng dấu vân tay rất nhỏ, hay những vết chân, giày, dép... cũng có thể là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết vụ án. Vì vậy, việc xâm phạm hiện trường khi không được phép sẽ gây ra hậu quả rất lớn mà những người không có nghiệp vụ điều tra sẽ không thể thấu hiểu được một cách đầy đủ.

Trong một số trường hợp, người tham gia bảo vệ hiện trường không phải mặc quân phục và không nhất thiết phải căng dây

PV: Nhiều người cho rằng, người tham gia bảo vệ hiện trường phải mặc quân phục và phải căng dây trong phạm vi xảy ra vụ việc. Vậy xin Luật sư cho biết, ý kiến trên có đúng hay không và trong trường hợp nào có thể bỏ qua việc căng dây bảo vệ hiện trường?

Luật sư Đỗ Thái Hán: Ngay khi có vụ việc xảy ra thì những người được giao nhiệm vụ bảo vệ hiện trường có trách nhiệm phong tỏa khu vực nơi xảy ra vụ án để bảo vệ. Tuy nhiên, do những vụ việc xảy ra bất ngờ, tình huống bảo vệ hiện trường rất cấp bách. Do đó, cơ quan có thẩm quyền, người được giao nhiệm vụ có thể xử lý tình huống bằng những nhân sự, phương tiện sẵn có để bảo vệ hiện trường tại chỗ, sau đó sẽ phối hợp với cơ quan, đơn vị cùng phối hợp và thực hiện tác nghiệp theo quy định của pháp luật. Trong những tình thế khẩn cấp, không nhất thiết các cán bộ bảo vệ hiện trường phải mặc quân phục, hay căng dây bảo vệ hiện trường.

PV: Nếu có người xâm phạm hiện trường vụ án khi không được cho phép thì người thi hành công vụ có thể giải quyết trường hợp cố tình xâm phạm hiện trường bằng cách nào thưa Luật sư?

Luật sư Đỗ Thái Hán: Nếu người xâm phạm hiện trường khi không được phép của người thi hành công vụ thì có thể áp dụng biện pháp áp giải người đó về trụ sở của cơ quan công an để làm việc. Khi họ cố tình xâm phạm hiện trường thì cũng chưa xác định được động cơ, mục đích của họ là gì nên cần có biện pháp ngăn chặn ngay lập tức.

PV: Xin cảm ơn những trao đổi của Luật sư!