Hà Nội

Công an huyện Chương Mỹ chung tay chia sẻ với người dân vùng lũ

ANTD.VN - Một tuần sau khi xảy ra mưa lũ, các xã của huyện Chương Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề, nước vẫn chưa rút hết, nhiều hộ dân còn bị cô lập trong biển nước. Lực lượng Công an huyện vẫn bám địa bàn, hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn... 

Nước ngập nhanh, không kịp trở tay

Cùng đoàn cứu trợ của CAH Chương Mỹ (Hà Nội), chúng tôi có mặt từ rất sớm tại 3 xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến và Hoàng Văn Thụ đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của ngập lụt. Trời vẫn tiếp tục mưa, nhiều khu vực vẫn ngập nước. Gió lạnh tràn về bất ngờ khiến đoàn công tác không khỏi xúc động, khi chứng kiến cảnh người dân vẫn đang cố gắng thu dọn những gì còn sót lại.

Sau trận lụt lịch sử năm 2008, người dân một lần nữa bàng hoàng, bởi nước ngập quá nhanh, không kịp trở tay. Tính đến thời điểm hiện tại, thiệt hại sau lũ ở Chương Mỹ là khoảng hơn 90 ha lúa, hơn 800 ha hoa màu chưa kịp thu hoạch, diện tích bị ngập là hơn 60ha; gần 60.000 gia súc gia cầm bị chết. Riêng thiệt hại về thủy sản, huyện Chương Mỹ đang thống kê để báo cáo về Thành phố.

Hiện tại, nhiều hộ dân vẫn bị ngập sâu trong nước lũ

Một tuần thiếu lương thực, nước uống và điện, sinh hoạt của người dân vùng lũ gần như bị đảo lộn. Khi chúng tôi đến, nhiều gia đình vẫn phải đi sơ tán, số còn lại đã trở về nhà dọn dẹp, khắc phục hậu quả sau thiên tai.

Nam Phương Tiến là một trong 3 xã bị ngập lụt nặng nề nhất với gần 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, hơn 500 hộ dân ở vùng trũng, thấp, nước tràn cả vào trong nhà. Mặc dù chỉ cách UBND xã chừng hơn 200m, nhưng 26 hộ dân vẫn bị cô lập do nước ngập sâu.

Để vào được với bà con, đoàn cứu trợ phải di chuyển bằng thuyền. Con đường hàng ngày người dân vẫn đi lại giờ trở thành biển nước. Rác, rơm rạ trôi lềnh bềnh. Thậm chí, có những đoạn nước ngập sâu gần 2m.

Nhu yếu phẩm cần thiết từ đoàn cứu trợ của CAH Chương Mỹ đang được chuyển đến tận tay người dân vùng bị ảnh hưởng do mưa lũ

Chia sẻ với đoàn cứu trợ, bà Nguyễn Thị Sợi nói: “Nhà tôi neo người, con trai đi làm ăn xa. Ở nhà chỉ có tôi và con dâu vừa mới sinh cháu được ba tháng. Khi nước tràn vào nhà, tôi phải nhanh chóng cho con và cháu đi sơ tán lên nhà người thân ở chỗ cao hơn. Còn mình tôi ở lại cùng bà con trong xóm dọn đồ đạc…”. Cũng theo như lời bà Sợi, nhà bà nuôi được mấy con lợn và đàn gà thì cũng chỉ một đêm, nước lũ tràn về cuốn trôi đi hết. Căn nhà nhỏ của bà Sợi ngổn ngang đồ đạc. Còn sàn nhà thì phủ một lớp bùn. Ấy vậy mà trên gương mặt những người dân vẫn nở nụ cười rạng rỡ. Họ bảo, khóc thì cũng không lấy lại được tài sản đã mất, nên cứ cười đi để động viên, hỗ trợ nhau qua lúc khó khăn này…

Trắng đêm cùng nhân dân chạy lũ

Trung tá Nguyễn Thành Trung – Phó Trưởng CAH Chương Mỹ cho biết: Ngay sau khi xảy ra tình trạng ngập lụt ở 6 xã gồm Nam Phương Tiến, Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Tốt Động và Hữu Văn, CAH đã triển khai ứng trực 100% quân số; cử CBCS xuống các xã bị ngập lụt, cùng với lực lượng Công an xã, chính quyền địa phương và bà con nhân dân sơ tán người, tài sản, gia súc và gia cầm đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, công tác đảm bảo ANTT, phòng ngừa phát sinh tội phạm, đặc biệt là tệ nạn xã hội cũng được CAH chỉ đạo quyết liệt đến từng địa bàn dân cư.

200 thùng mỳ tôm, 250 bình nước sạch và 150 đèn pin là món quà tình cảm của CBCS CAH Chương Mỹ gửi đến bà con 

Bao nhiêu đêm nước ngập là bấy nhiêu đêm các lực lượng chức năng thức cùng dân. Anh Nguyễn Văn Thiệu, trú tại xã Nam Phương Tiến là một trong những gia đình nằm trong vùng ngập lụt. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, vì là một Công an viên kiêm Phó trưởng thôn, nên dù nhà bị ngập, nhưng anh Thiệu cũng chỉ có thể để vợ con thu dọn, sơ tán tài sản. Bản thân anh Thiệu ngày đêm cùng lực lượng Công an xã và chính quyền đi giúp người dân ở những nơi ngập sâu; chuyển các nhu yếu phẩm cần thiết đến từng hộ gia đình, động viên bà con cố gắng khắc phục, vượt qua khó khăn trước mắt.

Anh Thiệu chia sẻ: “Đã là một Công an viên, lại là Phó trưởng thôn nên phải đặt trách nhiệm của bản thân và lợi ích của bà con lên hàng đầu. So với bà con xung quanh thì nhà tôi không bị thiệt hại nhiều. Hy vọng là nước sớm rút hết để người dân chúng tôi có thể dọn dẹp lại nhà cửa, quay trở lại nếp sống bình thường”.

Ấm lòng tình quân, dân

Với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, cùng với việc giúp đỡ bà con thu dọn sau bão, CAH Chương Mỹ cũng phát động CBCS trong đơn vị quyên góp 1 ngày lương vào Quỹ phòng chống thiên tai của huyện, đồng thời huy động được 200 thùng mỳ tôm, 250 bình nước sạch và 150 đèn pin, là những thứ thiết yếu nhất mang đến tận tay bà con.

CBCS CAH Chương Mỹ cùng bà con dọn dẹp lại nhà cửa sau lũ

Công an huyện Chương Mỹ chung tay chia sẻ với người dân vùng lũ ảnh 5

Sau khi nước rút, CAH Chương Mỹ sẽ phối hợp với các tổ công tác liên ngành của huyện cùng nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, đồng thời phun thuốc phòng dịch bệnh

Đón nhận tấm lòng và những phần quà  của cán bộ chiến sĩ CAH, người dân vùng lũ rất cảm động. Những bàn tay nắm chặt, những nụ cười rạng rỡ và cả những lời cảm ơn… đã phần nào nói lên tình cảm gắn bó giữa những người chiến sỹ Công an với nhân dân.

Với người dân, đây là sự động viên kịp thời giúp họ cố gắng vượt qua khó khăn để sớm ổn định cuộc sống sau thiên tai.

Cũng theo Trung tá Nguyễn Thành Trung, thời gian tới khi nước rút, CAH Chương Mỹ sẽ cử 70 đoàn viên tham gia cùng chính quyền địa phương, giúp nhân dân dọn dẹp vệ sinh nơi ăn, chốn ở. Ngoài ra, đơn vị sẽ trực tiếp phối hợp với tổ công tác liên ngành của huyện phun thuốc phòng dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe, vệ sinh môi trường cho người dân yên tâm sinh sống.

Những món quà tuy nhỏ, nhưng là sự động viên kịp thời đến người dân, giúp họ ổn định tinh thần để vượt qua khó khăn trước mắt

Trong những ngày này, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn huyện Chương Mỹ sẽ tiếp nhận cứu trợ của các đoàn công tác từ Trung ương đến Thành phố, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội, sau đó sẽ phân bổ đến từng hộ dân.

Khó khăn với người dân các xã bị ngập lụt của huyện Chương Mỹ chưa thể khắc phục trong ngày một, ngày hai, do vậy, rất cần sự hỗ trợ của các đoàn thể, tổ chức xã hội và sự chung tay góp sức của cả cộng đồng.