Cọ xát đề thi THPT quốc gia: Lo mức độ khó - dễ

ANTD.VN - Sau những sai sót của đề thi khảo sát của Hà Nội, lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT khẳng định, đề thi chính thức THPT quốc gia sẽ phải duyệt qua quy trình 8 bước nghiêm ngặt.

Đề thi THPT quốc gia phải qua các vòng thử nghiệm, thẩm định kỹ càng

Việc các địa phương đang cho học sinh lớp 12 cọ xát với dạng đề thi THPT quốc gia sẽ có tác động tích cực nếu đề thi thử sát với đề minh họa được Bộ GD-ĐT công khai. Tuy nhiên, với quy trình 8 bước làm đề và áp dụng phần mềm trộn đề theo thứ tự từ dễ đến khó của Bộ GD-ĐT thì không phải địa phương nào cũng thực hiện được.

Học sinh sợ kết quả thấp

Ngày 22-3, hơn 62.000 học sinh lớp 12 của Hà Nội đã kết thúc 5 bài thi khảo sát mô phỏng bài thi THPT quốc gia 2017. Đợt khảo sát lần này được học sinh, giáo viên ủng hộ bởi đây là cơ hội để được làm quen với cách thi mới, đồng thời được đánh giá theo mặt bằng chung của thành phố. Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan sau khi kết thúc kỳ khảo sát này.

Thí sinh Tống Đức Tú, dự thi tại hội đồng thi THPT Việt Đức cho biết, với 40 câu hỏi phải làm trong vòng 50 phút của 1 môn trong bài thi tổng hợp Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên, học sinh khó có thể hoàn thành vì thời gian quá ngắn. “Em nghĩ nếu thí sinh được dành khoảng 2 phút cho một câu hỏi để đọc hiểu, chọn đáp án đúng thì sẽ phù hợp hơn thay vì cứ phải khoanh bừa mà chưa kịp hiểu hết câu hỏi và cân nhắc kỹ cả 4 phương án trả lời” - Tống Đức Tú nhấn mạnh.

Phần mềm đặc biệt sẽ sắp xếp tất cả các mã đề thi theo định dạng từ dễ đến khó. Điều này giúp các thí sinh ổn định tâm lý, tập trung làm bài theo năng lực của mình

Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT Sái Công Hồng

Nguyễn Anh Khánh, thí sinh tại trường THPT Chu Văn An cho biết, bài khảo sát môn Toán khó nhất trong tất cả các bài thi khảo sát. “Không biết đề thi thật có khó như thế không? Nếu khó như vậy thì chúng em phải xem xét lại việc chọn trường, đăng ký vào những trường đầu vào thấp chứ không thì rất dễ trượt đại học” - Khánh chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Huyền - Phó Hiệu trưởng trường THPT Đồng Quan, huyện Phú Xuyên cho biết, nhiều giáo viên phản ánh, đề khó so với mặt bằng chung, học sinh không dễ đạt 6 - 7 điểm. Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Huyền cũng cho rằng bài thi tổ hợp 3 môn gây áp lực tâm lý, áp lực học tập cho học sinh. 

Độ khó - dễ sẽ được kiểm soát

Trước băn khoăn của nhiều phụ huynh, học sinh về độ khó dễ của câu hỏi thi khảo sát tại Hà Nội cũng như khả năng xảy ra sai sót được cho là lỗi kỹ thuật của Ban ra đề, ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết, việc ra đề thi phục vụ cho kì thi THPTQG năm 2107 được Bộ GD-ĐT thực hiện theo qui trình xây dựng đề thi chuẩn hóa.

Đối với mức độ khó, dễ của đề thi, ông Sái Công Hồng cho biết, cấu trúc đề thi được thiết kế với khoảng 60% ở mức độ cơ bản và 40% ở mức độ nâng cao với phần mềm được thiết kế sẽ sắp xếp tất cả các mã đề thi theo định dạng từ các câu hỏi thi theo một trật tự dễ đến khó. Điều này giúp các thí sinh ổn định tâm lý, tập trung làm bài theo năng lực của mình.

“Sẽ không có trường hợp thí sinh gặp ngay phải câu hỏi khó khi làm bài thi. Điều này giúp cho thí sinh có cảm hứng khi làm bài theo logic tư duy từ dễ đến khó và không phải mất thời gian đọc tất cả các câu hỏi của đề thi để xem câu hỏi nào dễ làm trước, câu hỏi nào khó làm sau” – ông Hồng cho biết.

Theo qui trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phục vụ kỳ thi THPTQG năm 2107 thì ngoài các bước thực hiện bằng phương pháp chuyên gia như viết câu hỏi thô, biên tập, lựa chọn, thẩm định các câu hỏi thì Bộ GD-ĐT còn tiến hành các bước thử nghiệm câu hỏi thi và đề thi.

Việc thử nghiệm được thực hiện bằng cách chọn mẫu các học sinh lớp 12 ở một số địa phương làm thử câu hỏi thi và đề thi để định cỡ các câu hỏi thi cũng như phát hiện tính chính xác của các đáp án của câu hỏi thi. Sau đó, Bộ sẽ phân tích, định cỡ các câu hỏi thi như tính độ khó, độ phân biệt của các câu hỏi thi, rà các phương án “nhiễu” của câu hỏi thi… 100% các câu hỏi thi được thử nghiệm để định cỡ, các câu hỏi sau khi thử nghiệm được chuẩn chỉnh trước khi đưa vào sử dụng chính thức.

Đặc biệt, sẽ có bước thử nghiệm các đề thi để phân tích đề thi độ tin cậy, độ giá trị và cân bằng độ khó giữa các đề thi, đảm bảo các đề thi có độ khó tương đương nhau. Việc phân tích các câu hỏi thi cũng như đề thi qua các đợt thử nghiệm sẽ được sử dụng bằng phần mềm khảo thí chuyên dụng để xác các thông số định chuẩn của các câu hỏi và các đề thi.

Những câu hỏi không nằm trong khoảng tin cậy sẽ được hiển thị trên kết quả phân tích và lập tức được xem xét lại hoặc loại bỏ. Các phương án đúng, phương án nhiễu của các hỏi this au khi phân tích cũng được xem xét một cách chi tiết theo lý thuyết khảo thí hiện đại.

Về việc trộn mã đề thi, ông Sái Công Hồng cho biết, mỗi thí sinh sẽ làm một mã đề thi riêng và được thực hiện bởi phần mềm thiết kế riêng cho hoạt đọng này. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT còn thành lập hội đồng đề thi là các chuyên gia làm việc theo hình thức cách ly triệt để nhằm rà soát, thẩm định các đề thi chính thức và dự phòng để phục vụ cho kỳ thi trên cơ sở phần mềm tự động tổ hợp các câu hỏi thành đề thi lấy từ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa đã được chuẩn bị bắt đầu từ tháng 9/2016 và liên tục được cập nhật bổ sung thêm các câu hỏi chuẩn hóa .