Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đối thoại với gần 1.000 công nhân

ANTD.VN - Sáng 19-5, UBND TP Hà Nội phối hợp cùng Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, tổ chức Hội nghị đối thoại công nhân lao động các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội năm 2017. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp đối thoại với công nhân.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi đối thoại

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cùng lãnh đạo các sở, ban ngành của TP đã đối thoại với gần 1.000 công nhân Khu công nghiệp Nội Bài (Sóc Sơn, Hà Nội) và đại diện của các doanh nghiệp, các khu công nghiệp và chế xuất trên địa bàn TP Hà Nội.

Báo cáo về kết quả thực hiện kiến nghị của công nhân tại Hội nghị đối thoại năm 2016, đại diện Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết, sau Hội nghị tiếp xúc công nhân lao động năm 2016, UBND TP Hà Nội có văn chỉ đạo giải quyết các đề xuất của công nhân lao động và doanh nghiệp.

Tổng số các kiến nghị được UBND TP yêu cầu giải quyết gồm 31 nội dung. Đến nay, các sở, ban, ngành, địa phương đã giải quyết được 23 nội dung, đang giải quyết 8 nội dung.

Trong phần đối thoại tại hội nghị lần này, đã có 17 lượt ý kiến của các công nhân, đại diện công đoàn cũng như đại diện các doanh nghiệp với gần 50 vấn đề được nêu ra. 

Đại diện Công ty TNHH Yamaha Việt Nam nêu một số ý kiến bày tỏ mong muốn được quan tâm xây dựng nhà ở giá rẻ cho công nhân, nhà trẻ, khu vui chơi cho trẻ em cũng như trung tâm văn hóa, thể thao. Đại diện doanh nghiệp này cũng nêu vướng mắc liên quan tới việc mở đóng chi nhánh có quá nhiều thủ tục giấy tờ, cụ thể phải nộp 11 loại giấy tờ để đóng chi nhánh.

Đại diện công nhân Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai cho biết, con đường kéo dài vào khu công nghiệp thường xuyên bị ngập và doanh nghiệp phải làm đường tạm cho công nhân. Tuy nhiên, tình trạng này ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp do khách hàng quốc tế băn khoăn khi tới thăm, đặt hàng. 

Bên cạnh đó, liên quan tới việc giải quyết các thủ tục hành chính, nhiều ý kiến cho rằng, công nhân vẫn thường phải xin nghỉ việc để đi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan tới làm thẻ căn cước, sổ hộ khẩu... Do đó, đề nghị các đơn vị hành chính dành 1 ngày nghỉ (thứ 7 hoặc Chủ nhật) để thực hiện các thủ tục nêu trên để công nhân không phải xin nghỉ.

Đại diện người lao động phát biểu tại buổi đối thoại

Liên quan tới giờ làm thêm, đại diện một doanh nghiệp cho biết, thực tế nhu cầu làm thêm từ phía doanh nghiệp cũng như công nhân cao hơn nhiều so với quy định không quá 200 giờ/năm. Do đó, mong muốn TP có ý kiến kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của công nhân.

Về thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, đại diện một doanh nghiệp bức xúc: "Trước đây, theo quy định, các đoàn thanh tra phải qua ban quản lý khu công nghiệp, nên mỗi năm chỉ kiểm tra 1 lần. Nhưng từ năm 2017 lại có tình trạng kiểm tra rất nhiều, 4 tháng đầu năm, trung bình mỗi tháng có 1 đoàn kiểm tra. Các đoàn kiểm tra này hướng dẫn thì ít mà tìm lỗi thì nhiều. Có đoàn hôm trước gọi điện thông báo để hôm sau kiểm tra". Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn TP có ý kiến chỉ đạo để các đoàn kiểm tra 1-2 lần/năm.

Ông Vương Quang Ngọc, Giám đốc  Công ty May Sài Đồng, Khu Công nghiệp Đài Tư cho biết, mới nhận được thông báo của Ban quản lý về chủ trương của Thủ tướng đồng ý cho chuyển đổi khu công nghiệp thành khu đô thị. Tuy nhiên, ngay sau đó Ban quản lý khu công nghiệp có công văn đề nghị doanh nghiệp di rời ra khỏi khu công nghiệp Đài Tư ngay trong tháng 6 này. Việc này ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp. 

Lắng nghe, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị từ người lao động cũng như đại diện các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp trả lời nhiều vấn đề được nêu ra tại Hội nghị. 

Liên quan thủ tục đăng ký xe máy, thành phố đã phân ra các khu vực đăng ký xe máy cho người dân thay vì một vài địa điểm trong nội thành. Khu vực Sóc Sơn, người dân và công nhân tại các doanh nghiệp có thể đến CAH Sóc Sơn để đăng ký, thuận tiện. Các thủ tục hành chính để đăng ký chỉ còn 5 loại giấy tờ so với 15 loại giấy tờ trước đây. 

Liên quan tới cấp Chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu, Chủ tịch UBND TP cho biết, từ năm 2013 đã có quy định về việc cấp cho công nhân các khu công nghiệp. Đối với tất cả doanh nghiệp có từ 10 công nhân trở lên, CATP Hà Nội sẽ cử cán bộ tới doanh nghiệp để trực tiếp làm. Doanh nghiệp có thể thông qua Ban quản lý để đăng ký với CATP Hà Nội. "Thành phố sẽ chỉ đạo, hàng tuần sẽ có cán bộ Đội Cảnh sát quản lý hành chính thuộc Công an các huyện làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất để thực hiện các thủ tục như đăng ký tạm trú, cấp hộ khẩu... cho công nhân" - ông Nguyễn Đức Chung nói.

Liên quan tới việc thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị quy định mỗi năm chỉ có 1 đoàn thanh tra, kiểm tra vào doanh nghiệp 1 lần. "Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ và chia sẻ với các doanh nghiệp trên tinh thần chỉ 1 đoàn thanh tra kiểm tra vào một lần/năm và phải báo trước", Chủ tịch UBND TP nói.

Về ý kiến của đại diện doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Đài Tư, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết sẽ tiếp thu ý kiến liên quan, TP sẽ họp ngay về vấn đề chuyển đổi khu công nghiệp thành khu đô thị và sẽ có hội nghị để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND TP cũng khẳng định: “Lãnh đạo TP luôn lấy doanh nghiệp và người lao động làm đối tượng quan tâm. Thành phố rất thấu hiểu điều kiện đời sống vật chất, tinh thần, của công nhân còn gặp nhiều khó khăn, thiết chế văn hóa còn thiếu thốn. Về các kiến nghị của công nhân lao động tại hội nghị, TP tiếp thu và sẽ chỉ đạo các sở ban ngành nhanh chóng giải quyết, khắc phục”.