Chờ "thuốc" tăng lực

ANTĐ - Kinh tế trong nước vẫn tiếp tục đà phục hồi, song tính bền vững chưa vững chắc. Bên cạnh đó, những khó khăn hiện tại của doanh nghiệp chưa được tháo gỡ triệt để. Đặc biệt, lãi suất vay ngân hàng vẫn là một gánh nặng quá sức của doanh nghiệp. 

Đó là thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam - Triển vọng năm 2016” vừa diễn ra. Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nền kinh tế chuẩn bị bước vào giai đoạn hội nhập mới. Ngoại trừ nguồn vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục rót vào Việt Nam, một điều ai cũng cảm nhận được là càng tiến vào hội nhập sâu, thì các doanh nghiệp trong nước sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Cơ hội luôn có nhưng nếu doanh nghiệp không cải thiện thể trạng, nhất là năng lực tài chính thì dễ để cơ hội tuột khỏi tay.

 Nếu so sánh với doanh nghiệp khu vực ASEAN, hoàn cảnh của giới doanh nghiệp nước ta “nghèo và khó” hơn nhiều, bởi điều kiện hoạt động eo hẹp hơn. Một thực trạng hiển nhiên là, mặc dù lạm phát ở mức thấp kỷ lục trong thời gian gần đây, song lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng giảm chưa thấm vào đâu so với “cơn khát vốn” kéo dài của doanh nghiệp, trong đó khu vực kinh tế tư nhân vẫn “đỏ mắt” trông đợi vốn. Dự báo, trong năm 2016, lãi suất cho vay vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao, trong khi mức lãi suất hiện nay vẫn đang “treo” ở mức doanh nghiệp khó với tới bởi những “trói buộc” về điều kiện được vay vốn như dự án kinh doanh khả thi, khả năng đảm bảo trả được lãi… của các ngân hàng thương mại.

“Trông giỏ bỏ thóc”, chọn mặt doanh nghiệp để cho vay tiền đầu tư, kinh doanh là một nguyên tắc sống còn của ngành ngân hàng. Điều đó doanh nghiệp đều hiểu và cảm thông bởi sau 4 năm “đại phẫu thuật” tái cơ cấu hệ thống, các ngân hàng đã hồi sinh trở lại nhưng di chứng của nợ xấu vẫn còn đeo đẳng. Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, thanh khoản của các ngân hàng sáp nhập, hợp nhất, tự sắp xếp lại đã phục hồi ổn định, tránh được nguy cơ đổ vỡ, tuy còn thách thức không nhỏ về vấn đề xử lý nợ xấu dưới 3%. Một số chuyên gia cho rằng, nếu không tháo gỡ những vướng mắc pháp lý trong việc bán tài sản, trao quyền bán nợ, thì các ngân hàng không thể một tay xử lý nợ xấu được.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, trong năm 2016, Chính phủ vẫn kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát, không thể chủ quan. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, trần lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên sẽ thấp hơn 2% so với các lĩnh vực khác. Ghi nhận động thái này của Ngân hàng Nhà nước, nhưng một số chuyên gia nhìn nhận, quan điểm giữ lãi suất tiếp tục “ổn định ở mức cao” là sự đảm bảo “an toàn” tuyệt đối về phía ngành ngân hàng. Tuy nhiên, ngành ngân hàng cần những giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa để doanh nghiệp có đủ lực, đủ “sức khỏe” bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt sắp tới, khi TPP, AEC đã tới rất gần.