Chính phủ kiến tạo, hành động gỡ vướng trong tư duy, nếp nghĩ

ANTD.VN - Tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, tinh thần của Chính phủ là nhìn thẳng vào yếu kém để khắc phục, không bàn lùi và vẫn quyết tâm phải đạt được GDP tăng 6,7%. 

Chính phủ đã đề ra 2 nhóm giải pháp cơ bản. Theo đó, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách thể chế. Về các giải pháp ngắn hạn, phải tiếp tục tháo gỡ ngay các vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thông thoáng. Trong thời gian qua, Hà Nội là địa phương đi đầu triển khai quyết liệt giải pháp này và mang lại những thay đổi rất ấn tượng, tạo dựng niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp.

Tinh thần của một Chính phủ kiến tạo, hành động vì dân, vì doanh nghiệp đã thấm xuống các bộ, ngành, địa phương trở thành hành động cụ thể, tác động tới doanh nghiệp, đặc biệt ở Hà Nội.

Một chính quyền lấy doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ được thể hiện bằng hàng loạt giải pháp mang lại hiệu quả, đó là chính quyền điện tử kết nối từ cấp thành phố, sở, ban, ngành xuống tới tận phường, xã. Dịch vụ trực tuyến trong mọi khâu từ nộp hồ sơ, đăng ký, nộp thuế cũng như những thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, số lượng doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhưng kết quả chưa cao.

Quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường, đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp là không thể phủ nhận, song không ít doanh nghiệp vẫn “kêu trời” về tình trạng bị làm khó, bị các đoàn kiểm tra, thanh tra “hỏi thăm” quá nhiều, trong khi thời gian xin cấp giấy phép, xin vay vốn vẫn chật vật. Chỉ thị số 20 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp vừa được Thủ tướng Chính phủ ký, hy vọng sẽ thổi một làn gió mới thu hút các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia vào “sân chơi” cạnh tranh lành mạnh. 

Như vậy, mặc dù những nỗ lực của Chính phủ, chính quyền thành phố đã tạo nên những chuyển biến đáng ghi nhận, tháo gỡ những rào cản, điểm nghẽn “trói buộc” doanh nghiệp, song những kết quả bước đầu vẫn chưa đủ.

Các cơ quan chức năng, từng cán bộ, công chức không thể vội bằng lòng, thỏa mãn. Ngay cả việc áp dụng công nghệ thông tin hiện đại cũng tùy thuộc vào con người. Thay đổi tư duy, lối mòn, cải cách hành chính, cải cách thể chế không thể diễn ra ngày một ngày hai. Đồng hành cùng doanh nghiệp không phải là nói suông, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khó nhất là trong tư duy, nếp nghĩ.