Cạnh tranh ở nước ngoài nhưng ảnh hưởng thị trường Việt Nam, xử lý được không?

ANTD.VN - Dẫn chứng thực trạng gần đây xuất hiện một số vụ việc cạnh tranh được thực hiện ở nước ngoài nhưng có ảnh hưởng nhất định đến thị trường Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đã mở rộng phạm vi điều chỉnh để khắc phục bất cập này.

Cuối phiên làm việc chiều 23-10, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình thẩm tra về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Về mục tiêu xây dựng luật, Tờ trình nhấn mạnh luật cần tạo lập, duy trì và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp trên thị trường, từ đó tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, phân bổ hiệu quả các nguồn lực, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trình bày tờ trình

Đồng thời, luật phải được xây dựng theo hướng đảm bảo và tăng cường khả năng thực thi thông qua việc: Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định của luật; tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng.

Dẫn chứng thực trạng gần đây xuất hiện một số vụ việc cạnh tranh được thực hiện ở nước ngoài nhưng có ảnh hưởng nhất định đến thị trường Việt Nam như thương vụ Tập đoàn Abbott mua lại Công ty dược phẩm CFR; Tập đoàn Boehringer Ingelheim International mua lại Sanofi SA trong lĩnh vực thuốc thú y… Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết Luật Cạnh tranh năm 2004 chưa quy định cơ sở pháp lý rõ ràng xử lý vấn đề này.  

"Vì vậy, để bảo vệ môi trường cạnh tranh tại Việt Nam, dự thảo luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.

Ngoài phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) cũng mở rộng đối tượng áp dụng; thay đổi cách tiếp cận kiểm soát hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và thay đổi cách tiếp cận kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền; đồng thời thay đổi cách tiếp cận kiểm soát tập trung kinh tế.

Cùng với đó, dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Theo đó đã bãi bỏ quy định về hành vi “bán hàng đa cấp bất chính” và hành vi “phân biệt đối xử của hiệp hội”, do các hành vi này không phản ánh đúng bản chất của hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Đồng thời, dự thảo luật đã bổ sung thêm hành vi "lôi kéo khách hàng bất chính" có xu hướng xảy ra ngày càng phổ biến và có bản chất phù hợp với khái niệm về hành vi cạnh tranh không lành mạnh quy định tại dự thảo luật.

Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) gồm 9 chương, 121 điều, quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; biện pháp xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh.

So với Luật Cạnh tranh năm 2004, dự thảo Luật giữ nguyên 06 điều, sửa đổi 66 điều, bổ sung 49 điều và bãi bỏ 49 điều.

Theo kế hoạch, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ (ngày 27-10) và tại hội trường (ngày 15-11) về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).