Công an Hà Nội: Cao điểm đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội

Cảnh báo tội phạm lừa đảo tiền "ảo" Bitcoin

ANTD.VN - Trung tuần tháng 11 vừa qua, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PCTPSDCNC) CATP Hà Nội đã nhận được gần 20 đơn thư của bị hại bị lừa đảo, chiếm đoạt gần 30 tỷ đồng thông qua hình thức huy động vốn đầu tư tiền “ảo” Bitcoin. Vậy, thủ đoạn nào của người môi giới và kẻ “cầm cái” lại có thể dễ dàng dụ dỗ không ít người chấp nhận đi vay nặng lãi để “đầu tư” mà không hiểu Bitcoin nghĩa là gì? 

Cảnh báo tội phạm lừa đảo tiền "ảo" Bitcoin ảnh 1Một buổi thuyết trình của các mạng lưới tham gia Bitcoin

Mồi nhử hiệu quả

Trên thế giới, tiền điện tử Bitcoin mặc dù không được công nhận, song nó vẫn tồn tại và được một số nhà đầu tư (NĐT) sử dụng  trong giao dịch điện tử. Nếu sử dụng đồng tiền thông thường, Nhà nước quản lý, khi giao dịch phải thông qua cơ quan có trách nhiệm và chịu chi phí nộp thuế, hoặc khoản dịch vụ nhất định…; đối với tiền điện tử Bitcoin thì không chịu bất cứ chi phí nào, bởi  có thể giao dịch thẳng giữa các đối tác với nhau.

Chính vì thế, dù Bitcoin hay các loại tiền “ảo” khác không được Việt Nam và nhiều quốc gia công nhận. Việc hoạt động không chính thống này đã kéo theo những tranh chấp dân sự, thương mại và tội phạm lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt hàng triệu USD tiền thật.

Đại úy Nguyễn Minh Hoàn, Đội trưởng Đội Tài chính Ngân hàng điện tử -  Phòng Cảnh sát PCTPSDCNC, CATP Hà Nội, cho biết: “Nhiều người “dính bẫy” tội phạm bởi vì được “nhà cái thả thính” đã mang được tiền thật về, nhưng chỉ là số ít.

Nhìn vào đó, nhiều người đã nảy sinh lòng tham, tham gia đầu tư nhiều tiền. Khi số tiền trong mã tài khoản “ảo” thâu tóm được nhiều nạn nhân và đạt tới số tiền nhất định, “nhà cái” sẽ đánh sập và chiếm đoạt số tiền “ảo” đã đầu tư, tức là chiếm mã tài khoản khiến cho người có mã không đăng nhập được nữa. 

Cũng theo Đại úy Nguyễn Minh Hoàn, đối với loại tội phạm này “đánh” không khó, tuy nhiên bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an xác định tất cả các hệ thống máy chủ có thể cung cấp mã điện tử lại không nằm trên lãnh thổ Việt Nam và vì thế chỉ xử lý được những người xác định được tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoặc vi phạm quy định sử dụng mạng máy tính.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, việc nhiều đối tượng chân rết tại Việt Nam bị xử lý, bắt giữ là do chính họ cũng là nạn nhân của việc lừa đảo tiền “ảo” Bitcoin nhưng không biết. 

Bitcoin cũng là loại tiền huy động vốn tương tự hệ thống đa cấp khác. Khi người chơi đông, tham gia nhiều tiền thì người nào có nhiều khách “dưới chướng” sẽ thu được nhiều tiền nhất. 

Ví dụ, tại một nhánh huy động nào đó, khi hẹn nạn nhân tham gia với số tiền 10 triệu đồng trong vòng thời gian 10 ngày sẽ có 20 triệu đồng, nếu huy động được thêm 1 người tham gia sẽ được thêm 5 triệu đồng. Sở dĩ người huy động bị bắt và xử lý về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là vì khi bên A môi giới nhận tiền của bên B và N…,  thì tất cả đều có giấy viết đã nhận tiền.

Thế nhưng bên A là người cung cấp mã đăng nhập chứ không phải do bên A làm ra, trong khi bên A không thể biết người trên mình là ai, ở đâu? Đến khi hệ thống mạng đầu tư bị sập, hoặc đến ngày phải trả lãi như đã giao hẹn với bên  B, nhưng bên A lại không có để trả, lãi lớn nên bên A phải chịu trách nhiệm do giấy biên nhận vẫn còn. Khi cơ quan CSĐT nhận được tố cáo thì bên A trở thành đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Cần biện pháp quản lý chặt

Thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCTPSDCNC, CATP Hà Nội đã điều tra xử lý hàng chục vụ liên quan đến đồng tiền “ảo” Bitcoin. Tháng 8-2016, cơ quan CSĐT - CAQ Bắc Từ Liêm đã bắt giữ 3 đối tượng và lập hồ sơ, xử lý vi phạm liên quan đến mạng đa cấp Boss - Bitcoin.com. 

Trước sự xuất hiện nhiều “nhà đầu tư” nhanh chóng trở thành nạn nhân do đổi tiền thật lấy tiền “ảo”, cơ quan công an liên tiếp có những cảnh báo tới người dân nâng cao ý thức và nhận thức rõ việc tham gia hình thức đầu tư chính thống về Bitcoin phải được sự quản lý của Nhà nước. Khi tham gia phải nhận thức rõ đang tham gia cái gì, để làm gì? 

Theo tài liệu của Công an tỉnh Gia Lai mới đây, chỉ trong thời gian ngắn, địa bàn có khoảng 1.900 ID tức 1.900 Bitcoin tham gia vào mô hình giao dịch tiền “ảo” đa cấp Ngân hàng cộng đồng Bitcoin. Tương ứng với đó, các đối tượng lừa đảo đã chiếm đoạt trên 22 tỷ đồng của người dân trong vùng.

Điều đáng nói, trong số 300 người bị lừa đảo, có đến 1/3 trong số đó không biết cách giao dịch trực tiếp mà phải nhờ người giới thiệu trung gian hoặc các đối tượng lừa đảo thực hiện. Các giao dịch diễn ra trên mạng Internet, nên công tác điều tra khó khăn, trong khi rủi ro của người tham gia là rất cao, nếu có phát hiện bị lừa thì việc đòi được lại số tiền đầu tư là rất xa vời.

Để tránh rủi ro từ việc người dân tham gia kinh doanh tiền “ảo”, cơ quan công an đề nghị các đơn vị chức năng có liên quan sớm có đánh giá đầy đủ, toàn diện về khung pháp lý với tài sản “ảo”, tiền điện tử tại Việt Nam. Xác định rõ vị trí, trách nhiệm, vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước, chủ trì xây dựng, hoàn thiện pháp lý để giảm thiểu rủi ro hệ thống tài chính từ tiền và tài sản “ảo”, tiền điện tử; đồng thời, đề xuất các biện pháp thu thuế, xử phạt nghiêm với các vi phạm liên quan đến các giao dịch này.