Cần xem xét lại quy trình làm luật

ANTD.VN -Sáng 23-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018.

Tránh hiện tượng “đánh trống bỏ dùi”

Về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018, ĐB Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) cho rằng, 2 nội dung giám sát đầu tiên bao gồm việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế là những vấn đề gắn liền với đời sống xã hội. Việc sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước được nhiều cử tri quan tâm vì gần đây nhiều doanh nghiệp dù đã được CP hóa nhưng còn không ít tồn tại. Vấn đề là làm sao để cởi trói cho doanh nghiệp, không để tiền Nhà nước rơi vào túi cá nhân. Bên cạnh đó, hiện nay, việc đầu tư còn dàn trải nên cần giám sát để tìm ra giải pháp để sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài có hiệu quả.

ĐB Nguyễn Chiến - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội phát biểu

Không đồng tình với quan điểm trên, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng, mặc dù đưa ra chuyên đề giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết, song cần cân nhắc điều kiện, nguồn lực để thực hiện. Giám sát vấn đề này trong thời điểm hiện tại là chưa hợp lý bởi Quốc hội vừa thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn, việc phân bổ nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA chưa hoàn tất. “Nếu giám sát mà tiền chưa phân bổ thì giám sát cái gì, nên cần lùi thời hạn giám sát chuyên đề này. Trước mắt cần lựa chọn 2 chuyên đề để giám sát, đó là việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và  thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” – ĐB Vũ Thị Lưu Mai cho ý kiến.

Còn theo ĐB Nguyễn Chiến (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội), chương trình giám sát còn thiếu nhiều nội dung quan trọng cần xem xét đưa vào. Đó là việc thực thi quy định của pháp luật về đất đai, việc giải quyết chế độ chính sách một cách thấu đáo cho các gia đình thương binh liệt sỹ. ĐB Nguyễn Anh Trí nêu quan điểm, giám sát là cần thiết song điều quan trọng là quá trình thực hiện kết luận giám sát phải hết sức nghiêm túc, tránh hiện tượng đánh trống bỏ dùi.

Nhiều hạn chế trong xây dựng Luật

Thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, ĐB Bùi Huyền Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng, thời gian qua, chương trình  xây dựng luật, pháp luật được điều chỉnh nhiều song chất lượng còn hạn chế. Do vậy, trước khi xem xét điều chỉnh cần xem xét kỹ về tình hình thực tiễn nguồn lực hiện có, đồng thời báo cáo rõ trước Quốc hội về nguyên nhân, các nội dung chính cần điều chỉnh.

Thống nhất với ý kiến trên, ĐB Nguyễn Quốc Bình phát biểu, chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh bị thay đổi quá nhiều, một số dự án luật phải điều chỉnh không ít lần. Trong khi đó, báo cáo đánh giá việc thay đổi chương trình xây dựng luật còn chưa đầy đủ, toàn diện, việc xây dựng đề cương chủ đạo chưa đạt. “Trong kỳ họp thứ 5 và 6 của Quốc hội nên tập trung xem xét thông qua Luật tiền lương, phụ cấp và tiền thưởng vì đây là vấn đề quan trọng nhất để xây dựng bộ máy, hệ thống chính trị” – ĐB Bình nói.

Đoàn ĐBQH Hà Nội thảo luận tại tổ

Về các nguyên tắc xây dựng Luật, Pháp lệnh, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM) nhấn mạnh: “Chúng ta còn những điểm hạn chế trong việc xây dựng luật, Pháp lệnh. Tuy nhiên, tôi thấy trong phần nguyên nhân có nêu là chưa thực hiện đúng quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật”. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, cách làm luật hiện nay là không ổn. QH không chủ động được bên cạnh đó lại không có chế tài xử lý các cơ quan được giao không hoàn thành nhiệm vụ, vì sao không đảm bảo được thời gian, quy định của QH. Cũng liên quan đến nội dung này, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) bày tỏ quan điểm, Quốc hội cần phải thay đổi quy trình làm luật, phải lý giải được tại sao ban hành luật này, chỉ rõ hành vi cần điều chỉnh, chế tài điều chỉnh là gì.