"Cần bổ sung nguyên tắc không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu"

ANTD.VN - Đó là một trong 5 kiến nghị của Phó giám đốc CATP, Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội Đào Thanh Hải nhằm đảm bảo tính hợp hiến, tính khả thi của dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Chiều 26-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.

Theo đại biểu Đào Thanh Hải (Phó Giám đốc CATP Hà Nội, ĐBQH đoàn Hà Nội), dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có nội dung chưa được quy định và chưa thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết cần đảm bảo yêu cầu hết sức quan trọng là bảo đảm an ninh tiền tệ và trật tự an toàn xã hội trong quá trình xử lý nợ xấu. 

Đại biểu Đào Thanh Hải góp ý xây dựng dự thảo tại phiên họp tổ chiều 26-5

Để đảm bảo tính hợp hiến, tính khả thi của dự thảo Nghị quyết, đại biểu Đào Thanh Hải đề nghị cân nhắc 5 điểm sau:

Thứ nhất, về phạm điều chỉnh đối với những khoản nợ xấu phát sinh đến ngày 31-12-2016 và quy định thời hạn áp dụng Nghị quyết này là 5 năm, kể từ 1-7-2017 để thực hiện. Đối với những khoản nợ xấu tiềm ẩn, phát sinh hàng ngày song hành cùng với hoạt động của tổ chức tín dụng thì áp dụng theo các quy định của pháp luật về ngân hàng, pháp luật về các tổ chức tín dụng và các quy định pháp luật khác có liên quan để đảm bảo tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn.

Thứ hai, đề nghị quy định về đối tượng áp dụng cho phù hợp với phạm vi áp dụng. Theo đó, không quy định mở rộng đối tượng áp dụng trong toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng.

Thứ ba, đề nghị bổ sung nguyên tắc về việc không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu, nguyên tắc áp dụng đầy đủ, triệt để các quy định về xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức vi phạm gây ra tình trạng nợ xấu nghiêm trọng của nền kinh tế trước khi áp dụng các quy định về huy động nguồn lực khác để xử lý nợ xấu.

Thứ tư, quy định về nợ xấu tại dự thảo Nghị quyết còn quá chung chung, do đó đề nghị chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể các tiêu chí căn bản xác định nợ xấu để đảm bảo tính rõ ràng, dễ hiểu; còn quy định chi tiết về khoản nợ xấu thì cân nhắc có thể quy định tại dự thảo Nghị quyết này hoặc giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tính chất thay đổi của các khoản nợ xấu này trong từng thời kỳ.

Thứ năm, về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng, thực tiễn tài sản bảo đảm có nhiều loại, liên quan đến sở hữu của tổ chức, cá nhân khác nhau dẫn đến việc quy định về giao quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng có thể dẫn đến làm hạn chế quyền tài sản của những người có liên quan đến tài sản bảo đảm đó.

“Vì vậy, tôi đề nghị cân nhắc quy định về quyền thu giữ tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng trên cơ sở đánh giá về khả năng thực hiện quyền thu giữ của tổ chức tín dụng, khả năng bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho các bên liên quan để đảm bảo tính khả thi của quy định”, đại biểu Đào Thanh Hải nhấn mạnh. 

Ngoài ra, Phó giám đốc CATP đề nghị chỉnh lý quy định về trách nhiệm của cơ quan Công an theo hướng quy định đúng chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của cơ quan Công an về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng, không mở rộng thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan Công an về giám sát hoặc các trách nhiệm tham gia xử lý tài sản bảo đảm khác ngoài trách nhiệm nêu trên để bảo đảm thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Chiến (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội, ĐBQH đoàn Hà Nội) cho biết trong thực tiễn khi xử lý các khoản nợ có tài sản bảo đảm sẽ liên quan tới một loạt quyền khác như quyền sở hữu chung hợp nhất, quyền tài sản thừa kế, quyền bảo đảm có chỗ ở... 

"Tất cả các quyền sở hữu cơ bản này được quy định trong Hiến pháp. Chỉ cần thiếu chặt chẽ, vi phạm một quyền của người liên quan sẽ bị ách tắc, nếu cứ làm sẽ vi hiến. Vì vậy, theo tôi cần có sự thảo luận kỹ càng, căn cơ để giải quyết vấn đề này, phù hợp với thực tiễn cuộc sống và quy định của Hiến pháp”, đại biểu Nguyễn Chiến đề nghị. 

Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng gồm 18 điều, quy định về nợ xấu, xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng. 

Ngày 27-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng. Sau đó đến ngày 21-6 sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.