Cán bộ hợp đồng trực "một cửa", khó tránh khỏi sai sót

ANTD.VN - Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự việc đáng tiếc vừa xảy ra ở phường Văn Miếu, quận Đống Đa (Hà Nội) là do UBND phường đã bố trí cán bộ hợp đồng trực ở bộ phận “một cửa”.

Cán bộ ở bộ phận “một cửa” cần nhiều kỹ năng để có thể hoàn thành nhiệm vụ

Trực tiếp liên quan tới vụ việc chậm trễ khi giải quyết thủ tục khai tử ở phường Văn Miếu, quận Đống Đa gây bức xúc dư luận, cán bộ hợp đồng Nguyễn Lê Hiếu là người đã tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn công dân thực hiện thủ tục hành chính. Tuy sự việc còn đang trong quá trình thanh tra nhưng lãnh đạo quận Đống Đa nhìn nhận: “Trong quá trình giải quyết thủ tục, phát ngôn qua lại giữa cán bộ tiếp nhận hồ sơ ở bộ phận “một cửa” và cán bộ phụ trách với người dân là chưa ổn”.

Sai tới đâu, xử lý tới đó

Trong khi Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Song Hào đã tạm đình chỉ công tác bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Văn Miếu, thì hướng xử lý trách nhiệm đối với cán bộ Nguyễn Lê Hiếu cũng đã rõ. Theo ông Nguyễn Song Hào, Phòng Nội vụ quận Đống Đa đã đề nghị Chủ tịch UBND phường Văn Miếu có trách nhiệm kiểm tra, làm rõ thông tin, xem xét thái độ tiếp công dân của ông Nguyễn Lê Hiếu có đúng phản ánh hay không. Trường hợp có sai phạm, Phòng đề nghị UBND phường chấm dứt hợp đồng đối với ông Hiếu.

Trả lời phóng viên Báo An ninh Thủ đô, ông Trịnh Hữu Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết: “Chúng tôi không dung túng hay bao che. Các cơ quan chức năng sẽ làm rõ, ai sai tới đâu, sẽ xử lý nghiêm khắc tới đó. Đối với công dân, chúng tôi luôn lắng nghe và mong công dân hợp tác với các bộ phận chuyên môn để làm sao trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính được nhanh gọn, thuận tiện nhất cho người dân”.

Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Song Hào cho biết, ý thức được khả năng có thể xảy ra sai sót trong quá trình giải quyết công việc, quận Đống Đa đã có văn bản yêu cầu các phường khẩn trương chấn chỉnh việc sử dụng lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, cụ thể như ở phường Văn Miếu, cán bộ hợp đồng Nguyễn Lê Hiếu vẫn được bố trí làm công tác chuyên môn, cụ thể là đã tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả hồ sơ khai tử cho bố của bà Vũ Thanh Hoa dẫn tới sai sót đáng tiếc.

Phải chấn chỉnh việc sử dụng người sai quy định

Thực ra, không chỉ riêng ở phường Văn Miếu, quận Đống Đa, việc sử dụng lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn từ lâu khá phổ biến ở các quận huyện, sở ngành của thành phố Hà Nội. Trong cuộc khảo sát việc thực hiện Nghị quyết số 16/NQ-HĐND ngày 6-12-2016 của HĐND TP về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp thành phố Hà Nội năm 2017, Ban Pháp chế - HĐND TP Hà Nội đã nêu ra thực tế này.

Không nêu rõ căn nguyên dẫn tới tình trạng này song Ban Pháp chế đã đề nghị UBND TP Hà Nội chấn chỉnh và có văn bản yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã không thực hiện ký hợp đồng lao động làm nhiệm vụ công tác chuyên môn, thực hiện nghiêm biên chế được giao theo quy định. Thanh tra Nội vụ cũng khẳng định việc các cơ quan thực hiện ký hợp đồng lao động để làm công tác chuyên môn là không đúng quy định của pháp luật.

Theo các chuyên gia về hành chính, năng lực của cán bộ ở bộ phận “một cửa” là hết sức quan trọng. Những người xử lý công việc, giao dịch với người dân hàng ngày ở đây vốn được coi là “bộ mặt” của cơ quan.

Do đó, yêu cầu chung là những người này phải có năng lực tổng hợp, có khả năng bao quát được tình hình, nắm chắc chính sách pháp luật ở mảng việc theo dõi; nhạy bén, mẫn cán, có tinh thần trách nhiệm với công việc và đặc biệt là phải chịu được áp lực. Ngoài ra, cán bộ ở bộ phận “một cửa” còn phải có kiến thức cơ bản về tâm lý học và được trang bị kỹ năng giao tiếp… 

Không nhiều cán bộ ở bộ phận “một cửa” đáp ứng hết được các yêu cầu trên nhưng việc bố trí một lao động hợp đồng trực, tiếp dân như ở phường Văn Miếu là sai quy định và rất dễ xảy ra sự cố. “Nguyên tắc là phải bố trí cán bộ “cứng” để trực đường dây nóng hay bộ phận “một cửa”. Đây là khu vực cần người có kinh nghiệm và nắm chắc chính sách pháp luật. Đơn giản là người dân hỏi mà lại ú ớ hoặc cứ nhận bừa hồ sơ mà không biết thiếu hay thừa để họ phải đi lại nhiều lần thì không ai chấp nhận được” - một vị Chủ tịch UBND phường thuộc quận Đống Đa, Hà Nội cho biết.

Cán bộ hợp đồng trực "một cửa", khó tránh khỏi sai sót ảnh 2

Nhà văn Trần Thanh Cảnh: “Đừng coi nhân dân như con sâu cái kiến”

“Theo tôi, cán bộ công chức phải xác định được thái độ phục vụ nhân dân thì mới làm tốt công việc của mình. Còn nếu cứ giữ quan điểm họ là quan, coi nhân dân như “con sâu cái kiến” thì hỏng hết chuyện.

Ví như vụ làm giấy chứng tử ồn ào vừa rồi ở phường Văn Miếu, làm gì phải để người dân đi lại đến 6 lần? Người cán bộ phải thông cảm cho người dân, hiểu được phong tục nước ta ma chay thường xem giờ. Không thể cứ theo các quy định chung chung, cần tùy từng vấn đề cụ thể mà giải quyết linh hoạt thì chỉ 15 phút là giải quyết xong.

Sâu xa hơn, tôi muốn nói đến vấn đề nhận thức về vai trò của những người cán bộ, cán bộ nhận thức tốt mới có thái độ tốt, như Bác Hồ từng nói: “Cán bộ là đầy tớ trung thành của nhân dân”. Nhân dân đóng thuế, cán bộ được trả lương, cán bộ cần có trách nhiệm làm tốt.

Ở góc độ nhà văn, tôi thấy nếu Hà Nội thực hiện tốt bộ quy tắc ứng xử của cán bộ với nhân dân thì sẽ rất hay. Tôi mong muốn các cán bộ không những chỉ ăn mặc chỉnh tề, tác phong, nề nếp gọn gàng, mà lời nói, hành động của họ phải niềm nở với nhân dân”.

Cán bộ hợp đồng trực "một cửa", khó tránh khỏi sai sót ảnh 3

Nhà thơ Hữu Việt: “Nên lắp camera ở bộ phận tiếp dân”

 “Như mọi công dân, tôi cũng rất muốn các thủ tục hành chính chính xác, giản tiện. Tôi thấy được hiệu quả của việc cải cách thủ tục hành chính và cơ chế “một cửa”, nhưng yếu tố con người cũng rất quan trọng. Cán bộ không nên quá cứng nhắc khi giải quyết các thủ tục.

Đồng thời, họ cũng là “bộ mặt” của cơ quan Nhà nước, không vì cảm xúc cá nhân mà mất kiểm soát trong hành vi gây khó dễ người dân. Văn hóa ứng xử trong công sở có vai trò lớn trong việc tạo nên hình ảnh tốt của cán bộ.

Một giải pháp tôi đưa ra là nên lắp các camera giám sát, nhất là ở bộ phận tiếp dân. Camera như một công cụ hỗ trợ để các cấp cùng nâng cao trách nhiệm.

Nhờ camera, cấp trên có thể sát sao cấp dưới có hoàn thành tốt nhiệm vụ hay không, hoặc khi xảy ra vấn đề có thể kịp thời nhắc nhở để hoàn thành nhanh chóng công việc. Để thủ tục hành chính nhanh chóng hơn, cán bộ cần phát huy ý thức phục vụ nhân dân và bản thân người dân cũng cần đúng mực, giữ văn hóa giao tiếp ứng xử nơi công cộng”.