Cái xấu trên mạng tấn công trực tiếp vào bộ não con người và cực kỳ nguy hiểm

ANTD.VN -  Môi trường xã hội có gì thì môi trường mạng có cái đó, tốt cũng nhiều và xấu cũng lắm. Cái xấu trong môi trường mạng tấn công vào bộ não con người, nơi nguy hiểm nhất của con người...

ĐB Nguyễn Hữu Cầu góp ý thảo luận

Sáng nay 23-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật An ninh mạng (ANM), ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Đoàn Nghệ An) cho rằng, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông internet cho người dùng ở Việt Nam thì cần phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu trên quốc gia Việt Nam…

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu phân tích, Luật này có ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin của nhân dân, nhiều ĐB quan tâm đến quy định tại khoản 4, Điều 34: Các doanh nghiệp nước ngoài (DNNN) khi cung cấp dịch vụ viễn thông internet tại Việt Nam phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu người dùng tại Việt Nam. Quy định này liệu có tạo ra rào cản thương mại, cản trở nhu cầu kinh doanh cũng như cản trở người tiêu dùng hay không?

Theo quan điểm cá nhân ĐB Nguyễn Hữu Cầu, môi trường ANM không khác gì môi trường xã hội. Môi trường xã hội có gì thì ở môi trường mạng có cái đó, tốt cũng nhiều và xấu cũng lắm. Cái xấu trong môi trường mạng tấn công vào bộ não con người, nơi nguy hiểm nhất của con người và quyết định hành động của mọi cá nhân. Nó tác động làm băng hoại tư tưởng, làm sai lệch nhận thức và phát sinh những hành vi sai trái.

Điều nghịch lý là hành vi tấn công nguy hiểm như vậy nhưng người bị tấn công vẫn phải trả tiền cho nhà mạng, đã xây dựng cung cấp dịch vụ thu lợi nhuận rất cao. Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước lại không quản lý được thu nhập, làm thất thoát một lượng tiền lớn.

Nhiệm vụ của nhà nước là phải quản lý, loại trừ bớt các thông tin độc hại cho người dùng và phải chống thất thu thuế như nhiều đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông. Luật ANM được xây dựng trên cơ sở góp phần riêng vào việc thực hiện hai nhiệm vụ đó.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đặt câu hỏi, vì sao trong môi trường xã hội, chúng ta đã có Bộ luật hình sự để đấu tranh phòng chống các loại tội phạm rồi mà vẫn xây dựng thêm các luật chuyên ngành như: Luật phòng chống tham nhũng, Luật phòng chống ma tuý, Luật phòng chống mua bán người?… Điều đó có thể giải thích vì sao, có Luật An toàn thông tin mạng rồi mà vẫn phải xây dựng Luật ANM.

“Vì phạm vi điều chỉnh của các luật này hoàn toàn khác nhau. Luật An toàn thông tin mạng bảo vệ sự an toàn thông tin nhưng mang mục đích chung nhất tính nguyên vẹn của thông tin, tính bảo vệ thông tin và khả dụng thông tin, còn Luật ANM tập trung chống lại các thông tin độc hại, xâm phạm đến an ninh quốc gia, TTATXH, quyền và lợi ích  hợp pháp của cá nhân, tổ chức trên môi trường mạng. Đây là điểm khác biệt của hai dự án luật này. Và sau này có thêm những luật chuyên sâu cho môi trường mạng là chuyện bình thường”, ĐB Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cũng nêu, thực tế ở nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Anh, Nhật Bản hay Hàn Quốc… đều có Luật ANM mà Ban soạn thảo đã tham khảo trước khi xây dựng luật này. Về vấn đề, các DNNN khi cung cấp dịch vụ viễn thông internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện máy chủ quản lý dữ liệu người dùng Việt Nam trên lãnh thổ nước Việt Nam, ta chỉ yêu cầu đặt máy chủ quản lý người dùng Việt Nam chứ không phải toàn bộ dữ liệu, vì máy chủ dữ liệu cung cấp cho nhiều quốc gia chứ không riêng gì cho một nước cụ thể. Vấn đề này cũng được các nước như: Anh, Mỹ, Canada… đã yêu cầu các nhà mạng thực hiện quy định này.