Cả xã hội phải vào cuộc

ANTD.VN - Lại thêm một vụ bạo hành trẻ em vừa xảy ra gây chấn động dư luận xã hội, đồng thời cấp báo thực trạng trẻ em bị xâm hại ngày càng trầm trọng, gây nhức nhối.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, cơ quan công an đã phát hiện 696 vụ xâm hại trẻ em, số nạn nhân là 710 em, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Còn trong năm 2016 đã phát hiện hơn 1.640 vụ xâm hại  trẻ, trong đó có 1.248 vụ xâm hại tình dục. Điều đáng báo động là tính chất các vụ bạo hành, xâm hại trẻ ngày càng nghiêm trọng, độ tuổi trẻ em là nạn nhân ngày càng nhỏ. Đáng nói là, có rất ít số vụ được đưa ra xét xử do đối tượng xâm hại, bạo hành thường là người thân quen, vì thế trẻ em và người nhà không dám tố cáo hoặc tố giác  muộn, chấp nhận dàn xếp dẫn đến khó thu thập chứng cứ. 

Có một thực tế là ngay từ trong nhận thức của mỗi người dân, quyền trẻ em chưa thật sự được quan tâm. Bố mẹ, giáo viên, bảo mẫu “vô tư” vi phạm pháp luật khi nghĩ đơn giản rằng “thương cho roi cho vọt”, “nôn nóng muốn trẻ ngoan” hoặc “ép trẻ ăn khỏe” không ít người lớn cho rằng đẻ con ra thì có quyền răn đe, đánh đập trẻ. Tất cả những lý lẽ này, suy cho cùng chỉ ngụy biện, che đậy hành vi bạo lực đối với những đứa trẻ non nớt, yếu đuối cần được nâng niu, che chở, bảo vệ.

Trước thực trạng đáng báo động này, Bộ LĐ-TB&XH đã chính thức khai trương Tổng đài điện thoại quốc gia 111 bảo vệ trẻ em. Các cơ sở mầm non tư thục đang được tổng kiểm tra, rà soát. Nhiều nơi lắp đặt hệ thống camera để giám sát. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp “phần ngọn”, bởi cái gốc sâu nằm trong sự suy đồi đạo đức, tình người của một bộ phận không nhỏ trong xã hội Việt Nam, nước đã ký Công ước về quyền trẻ em, có riêng Luật Trẻ em và nhiều quy định pháp luật về chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Vậy nên, rất cần cả xã hội vào cuộc, không thể im lặng, phải thông tin, thông báo, tố giác. Chỉ cần người hàng xóm lưu tâm hơn đến tiếng khóc bất thường của đứa trẻ ở nhà bên, có thể đã cứu vớt được một cuộc đời.