“Buôn”... vỉa hè: Tiền tỉ vào túi ai?

Tiền đầu tư cho chỉnh trang vỉa hè của quận 1 hằng năm lên đến hàng chục tỉ đồng, nhưng nguồn thu từ kinh doanh bãi xe vỉa hè lại làm giàu cho cá nhân!

“Buôn”... vỉa hè: Tiền tỉ vào túi ai?

Tiền đầu tư cho chỉnh trang vỉa hè của quận 1 hằng năm lên đến hàng chục tỉ đồng, nhưng nguồn thu từ kinh doanh bãi xe vỉa hè lại làm giàu cho cá nhân!

Ngân sách Nhà nước mỗi năm đầu tư cho việc xây dựng, duy tu và nâng cấp vỉa hè trên địa bàn TPHCM lên đến cả trăm tỉ đồng. Chưa kể số tiền người dân phải đóng góp theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Điều nghịch lý là tiền thu thuế hằng năm từ việc kinh doanh bãi giữ xe lề đường cho ngân sách chỉ nhỏ giọt, số còn lại rơi vào túi cá nhân.

Làm giàu cho... người giàu

Nằm ở khu vực trung tâm TPHCM, quận 1 là nơi có số lượng bãi giữ xe nhiều nhất TP với khoảng 200 bãi. Con số này đã giảm nhiều so với thời điểm tháng 9-2007 trở về trước với trên 500 bãi giữ xe (từ tháng 9 đến nay quận 1 đã rút phép hoạt động của 300 bãi giữ xe vi phạm).

Theo Chi cục Thuế quận 1, trung bình hằng năm số tiền thu thuế từ các bãi giữ xe được quận cấp phép hoạt động (dao động từ 250-300 bãi) khoảng 5 tỉ đồng. Con số này quá nhỏ nếu so với nguồn thu thực tế từ hàng trăm bãi giữ xe này. Thử làm phép tính đơn giản: mỗi bãi giữ xe tại trung tâm quận 1 thấp nhất mỗi ngày giữ 100 xe, với giá 2.000 đồng/chiếc thì doanh thu mỗi năm của một bãi giữ xe vỉa hè khoảng 75 triệu đồng. Số tiền này nhân với 300 bãi giữ xe thì doanh thu không dưới 20 tỉ đồng mỗi năm. Đây chỉ là cách tính khiêm tốn bởi trên thực tế các bãi giữ xe ở quận 1 đều thu hút lượng xe gắn máy gởi rất nhiều. Như vậy ngân sách Nhà nước hằng năm đã mất đi một khoản thu không nhỏ từ hoạt động kinh doanh bãi giữ xe vỉa hè. Số tiền tỉ này đã “chảy” vào túi những chủ bãi giữ xe chiếm vỉa hè công, những trùm chuyên “xẻ thịt” vỉa hè và những người bảo kê các bãi xe sai phạm này.

Điều nghịch lý là hằng năm, quận 1 phải dành kinh phí không nhỏ để cải tạo, chỉnh trang vỉa hè ở các tuyến đường, nhất là các tuyến đường nằm ở khu vực trung tâm. Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho biết năm 2006 kinh phí đầu tư của quận cho việc cải tạo vỉa hè khoảng 4 tỉ đồng, trong đó người dân đóng góp 1 tỉ đồng. Riêng năm 2007, kinh phí đầu tư cho việc cải tạo, sửa chữa vỉa hè của quận 1 lên đến trên 30 tỉ đồng. “Tiền thu thuế các bãi giữ xe không đáng là bao so với kinh phí đầu tư cho việc cải tạo vỉa hè!” - ông Tuyến nói.

Không riêng gì quận 1, các quận khác như quận 3, 5, 6, Tân Bình..., kinh phí Nhà nước và đóng góp của dân dành cho việc chỉnh trang vỉa hè mỗi năm cũng ngấp nghé chục tỉ đồng. Thế nhưng, khi được hỏi tiền thu thuế từ các bãi xe vỉa hè hằng năm, hầu hết các quận trả lời là “không biết!” hoặc “không đáng là bao...!”.

Trả lại vỉa hè cho chúng tôi!

Nhiều ngày qua, tòa soạn báo đã nhận được nhiều ý kiến bức xúc của người dân TP về tình trạng vỉa hè công bị “xẻ thịt”, làm giàu cho một số đối tượng. “Vỉa hè là của công sao người ta lại ngang nhiên chiếm dụng để làm giàu chứ? Đã vậy chính quyền cũng... im luôn” - bà Phùng Thị Cúc (ngụ tại 66/17 Nhiêu Tứ, quận Phú Nhuận) bức xúc.

Bà Cúc cho biết tình trạng ùn tắc giao thông liên tục diễn ra, nên khi ra đường nhiều người thích đi bộ, nhưng vỉa hè tràn ngập bãi giữ xe không đi được. “Tôi phải đi xuống lòng đường dù biết rất nguy hiểm. Người dân chúng tôi mong muốn chính quyền dẹp lẹ, dẹp gấp chuyện lấn chiếm lòng lề đường làm bãi giữ xe”. Còn ông Đặng Văn Nghê (ngụ tại 2/4B Thăng Long, phường 4, quận Tân Bình) nói: “Lúc trước nhà tôi ở mặt tiền đường Trường Sơn, tôi có đóng 500.000 đồng xây vỉa hè theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhưng người dân lại không được “hưởng” sự thông thoáng của vỉa hè, ngược lại bị những cá nhân chiếm dụng để kinh doanh. Tôi đề nghị phải xử thật nghiêm để lấy lại vỉa hè cho dân”. Ông Dương Công Lý (ngụ tại 140/12 Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận) khẳng định: “Tôi nghĩ những nơi này chắc có bảo kê nên mới được tồn tại lâu như vậy!”.

PV

Theo NLD