Bộ trưởng Trần Hồng Hà cảnh báo nguy cơ mất an ninh nguồn nước

ANTD.VN - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, cùng với sự gia tăng dân số, lượng nước thải sinh hoạt tiếp tục tăng cao, đây là thách thức gióng lên một hồi chuông báo động về nguy cơ mất an ninh nguồn nước.  

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cảnh báo nguy cơ mất an ninh nguồn nước 

Ngày Nước thế giới năm 2017 được lựa chọn với chủ đề “Nước thải” hướng đến tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc phải xử lý nước thải đảm bảo an toàn cho môi trường, tái sử dụng nước thải và coi nước thải là nguồn tài nguyên.

Phát biểu tại Lễ mít tinh Quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới 2017 diễn ra hôm nay (22-3), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức to lớn về nước thải.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, nhiều khu, cụm công nghiệp, làng nghề và nhà máy, xí nghiệp chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước. Ô nhiễm nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản còn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản không được kiểm soát chặt chẽ.

Đặc biệt, nước thải sinh hoạt ở hầu hết các đô thị, khu dân cư chưa được xử lý đã và đang làm gia tăng ô nhiễm nguồn nước tiếp nhận. Trong những năm gần đây, lượng nước thải sinh hoạt tiếp tục tăng cao. Việc thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt còn rất hạn chế, chỉ có một số thành phố lớn mới có hệ thống công trình thu gom, xử lý tập trung nhưng cũng chỉ thu gom được một phần nhỏ, còn lại hầu hết nước thải từ các hộ dân đều xả trực tiếp vào hệ thống cống, rãnh, sông ngòi…

“Thách thức trên gióng lên một hồi chuông báo động với chúng ta và toàn nhân loại về nguy cơ mất an ninh nguồn nước trong tương lai không xa nếu như chúng ta không chung tay cùng hành động, nỗ lực để giải quyết ngay từ bây giờ”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Hầu hết các sông chính ở Việt Nam đều ô nhiễm

Ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, hiện nay, hầu hết các sông chính ở Việt Nam đều đã và đang ô nhiễm với các mức độ khác nhau, trong đó, ô nhiễm chủ yếu các vùng trung và hạ lưu; khu vực tập trung đông dân cư và các khu công nghiệp hiện tượng ô nhiễm diễn ra nghiêm trọng hơn. 

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế và Bộ TN-MT, trung bình mỗi năm, có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước ô nhiễm; có trên 200.000 trường hợp được phát hiện ung thư, mà một trong những nguyên nhân là do sử dụng nguồn nước ô nhiễm.