Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Dự thảo Luật Đặc khu không có một chữ nào về Trung Quốc

ANTD.VN - Về quy định cho thuê đất lên tới 99 năm tại 3 đặc khu, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu rõ: “Chúng ta phải lắng nghe đầy đủ ý kiến, phân tích đúng. Tôi cũng đã trả lời rất nhiều lần về việc này”.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 6-6

Sáng nay, 6-6, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ rõ hơn quan điểm của cơ quan soạn thảo dự Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt là Luật đặc khu) về những quy định đang được dư luận rất quan tâm và có rất nhiều ý kiến tranh cãi.

Cụ thể, về quy định cho thuê đất lên tới 99 năm tại 3 đặc khu, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nêu rõ, quyền quyết định cuối cùng thuộc về Quốc hội. “Chúng ta phải lắng nghe đầy đủ ý kiến, phân tích đúng. Tôi cũng đã trả lời rất nhiều lần về việc này” – ông Dũng nói.

Về luồng dư luận phản ứng quy định cho thuê đất thời hạn tối đa tới 99 năm tại các đặc khu do lo ngại một số nhà đầu tư nước ngoài được thuê đất thời hạn lâu như vậy sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh quốc gia, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho biết, có những người cố tình hiểu theo hướng đó và đẩy vấn đề lên, chia rẽ quan hệ.

“Trong thiết kế Luật này không hề có chủ đích đánh đổi quốc phòng an ninh lấy kinh tế, không có điều nào nói về điều đó, đó là nguyên tắc số 1 khi thiết kế Luật này, nguyên tắc số 1 phải đảm bảo quốc phòng an ninh. Cái này chúng ta phải khách quan, công tâm, bình tĩnh, trí tuệ, bản lĩnh” - Bộ trưởng Dũng nói.

Người đứng đầu cơ quan được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo dự án Luật đặc khu nêu rõ, Luật quy định bình đẳng trong một môi trường đầu tư kinh doanh chung, sự bình đẳng dành cho tất cả các nước, tất cả các thành phần kinh tế. Chúng ta đang mở cửa hội nhập quốc tế nên không hạn chế người này hay người khác.

“Dự thảo không có một chữ nào liên quan Trung Quốc. Rất tiếc mọi người đang có hình dung khá tiêu cực, đẩy thành vấn đề “sợ Trung Quốc”. Nhưng cần nhấn mạnh là chúng ta tạo môi trường bình đẳng và không phân biệt. Không một ai có thể vào đây làm việc gì khi đất nước ta đang có chủ quyền, ta phải bình tĩnh, xem xét và lắng nghe” – Bộ trưởng Dũng nói.

Trước câu hỏi cơ quan soạn thảo luật nên tiếp thu ý kiến của dân về quy định cho thuê đất 99 năm ra sao, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nói, cơ quan soạn thảo sẽ lắng nghe và chờ chỉ đạo từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Cái này do Quốc hội quyết định. Nếu có thể thì thiết kế điều kiện chặt chẽ hơn, thế nào là đặc biệt, thế nào là thật đặc biệt, thế nào mới được phép. Thứ hai là quy trình chặt chẽ và thẩm quyền phải cao hơn” – ông Dũng nói.

Vẫn theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT: “Cái đúng thì các cơ quan liên quan phải cầu thị lắng nghe, tiếp thu chỉnh sửa. Cái gì chưa rõ thì giải trình, giải thích. Chúng ta phải làm khách quan, không sau này lịch sử sẽ xem xét trách nhiệm. Còn nếu cái gì cũng sợ thì không làm được”.

Người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo luật đặc khu cũng nhấn mạnh một lần nữa: “Cái gì hay mình phải học, bất kể  là ai. Trung Quốc hay mình cũng phải học Trung Quốc. Chúng ta có chủ quyền có độc lập, có trí tuệ thì sao cái gì cũng sợ”.