Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu giải pháp đột phá chống gian lận hoàn thuế, thành lập doanh nghiệp mua, bán hoá đơn

ANTD.VN -  Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trả lời báo cáo một số lĩnh vực thuộc Chính phủ phụ trách trong quản lý thu chi ngân sách và đảm bảo bền vững an toàn nợ công, được các ĐBQH quan tâm tại phiên chất vấn vào sáng nay 16-11.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời báo cáo một số lĩnh vực thuộc

Chính phủ phụ trách

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, năm 2015, nợ công của chúng ta đến mức sát trần 65%, mức nợ Chính phủ trên 55% vượt trần cho phép. Tỷ lệ chi trả nợ vay cao hơn định mức cho phép của quốc tế.

Nói không với tăng mức trần nợ công

Cho rằng, cần xác định giải quyết vấn đề này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả giai đoạn 2016-2020, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Chúng ta đã tập trung giải quyết các yếu kém, bất cập, tồn tại của nền kinh tế".

Trong bối cảnh đó, việc quản lý ngân sách như thế nào đã được nhiều thành viên của Chính phủ, ĐBQH và một số chuyên gia khuyến cáo Chính phủ nên nghiên cứu để trình Trung ương, Quốc hội xin nới trần nợ công, để có vốn cho đầu tư phát triển và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao khi đất nước còn nghèo, nhu cầu cho sự phát triển rất lớn để đảm bảo quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội.

Chính phủ và Thủ tướng đã tính toán rất kỹ trần và thấy rằng nợ công chỉ là 1 yếu tố. Quan trọng là khả năng trả nợ. Tổng trả nợ của chúng ta kể cả trả nợ trực tiếp từ nguồn ngân sách và phần vay để trả nợ vượt quá 25% so với tổng thu ngân sách của năm.

Vì vậy, quan điểm chung là Chính phủ nói không với tăng trần nợ công. Thay cho việc trình Trung ương về nới trần nợ công, Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng đề án cơ cấu lại thu chi ngân sách Nhà nước, đảm bảo và bền vững an toàn nợ công, trình Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 07 về chủ trương giải pháp, cơ cấu nguồn ngân sách Nhà nước quản lý nợ công để đảm bảo nguồn ngân sách quốc gia an toàn và bền vững.

Trả lời các câu hỏi của ĐBQH tham gia chất vấn liên quan đến lĩnh vực quản lý nợ công và chống thất thu thế, trốn thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, để bảo đảm cân đối chi trả nợ đầy đủ và đúng hạn trong thời gian tới, các giải pháp được đưa ra như tăng cường thanh tra, kiểm tra, minh bạch tài chính công, kiểm soát chặt chẽ đầu tư công; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đầu tư, đấu thầu, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán...

Giải pháp chống gian lận thuế, mua bán hoá đơn GTGT

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thanh Thuỷ (Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang) về hai dự án Metro - Bến Thành Suối Tiên và dự án cải tạo môi trường nước sạch TP.HCM chậm giải ngân, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, đối với việc giải ngân chậm hai dự án đại biểu nêu, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính để báo cáo với Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội xin điều chỉnh dự toán, bố trí vốn nước ngoài điều chỉnh vốn các dự án tại TP.HCM và hai dự án này vượt dự toán, nhưng đúng tiến độ cam kết.

Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng trả lời câu hỏi chất vấn của các ĐBQH

Trong tình hình khó khăn, TP.HCM đã ứng vốn của thành phố 1.000 tỷ đồng để trả khối lượng hoàn thành cho 2 dự án. Khi UBTV Quốc hội bổ sung dự toán hai dự án này, Bộ Tài chính sẽ làm việc với nhà tài trợ để hoàn trả TP.HCM phần vốn đã ứng.

Trả lời câu hỏi của ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế) về hàng tạm nhập tái xuất, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, tình hình quản lý hàng tạm nhập tái xuất rất phức tạp. Trong quá trình triển khai, Bộ Tài chính đã đưa ra một số giải pháp khá chi tiết, đúng theo quy đinh nhằm hạn chế sơ hở. Đồng thời, một số quy định xử phạt được điều chỉnh theo hướng tăng nặng.

Liên quan đến một số nội dung về tình trạng nợ đọng thuế và làm thế nào để nuôi dưỡng nguồn thu bù lại khoản này, cũng như cần khắc phục nợ đọng thuế do quá trình cấp giấy phép quá dễ dãi, doanh nghiệp khi thua lỗ lại nợ đọng thuế, cố tình chuyển thành doanh nghiệp khác để trốn thuế… Trong khi đó, ngành thuế vẫn còn 1 số cá nhân tiêu cực tiếp tay cho việc trốn thuế, việc thiếu công khai cơ chế thuế, xử lý không nghiêm khiến tình trạng vẫn diễn ra... Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, để xử lý vấn đề này, ngoài trách nhiệm của Bộ Tài chính còn có trách nhiệm các Bộ, Ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế.

Hiện nay, Bộ Tài chính đã có sự kết nối liên thông giữa cơ quan thuế và cơ quan cấp phép đầu tư. Nhưng sau khi doanh nghiệp được cấp phép và được đăng ký mã số thuế hoạt động thế nào?... thì chỉ có cơ quan thuế kiểm tra hoạt động. Do vậy, cơ quan cấp phép cần phải có giải pháp quản lý doanh nghiệp sau khi được cấp phép.

Bộ Tài chính cũng có những rà soát quy định về quản lý, giải pháp quản lý các khoản nợ không phải không thu được, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra khoản nợ. Hàng năm thanh - kiểm, tra phát hiện sai phạm, nhưng qua thanh - kiểm tra mới xử lý được.

Nêu giải pháp tránh tình trạng những doanh nghiệp được lập ra nhưng không hoạt động, mà chỉ để mua bán hoá đơn, rút ruột Nhà nước với số tiền không nhỏ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hiện chúng ta đang triển khai, hoàn thiện hoá đơn điện tử. Đây là giải pháp đột phá để chống gian lận hoàn thuế, thành lập doanh nghiệp để mua bán hoá đơn.