Bổ sung quy định "cấm mở lối đi dân sinh" để giảm tai nạn đường sắt

ANTD.VN - Mở lối đi dân sinh được bổ sung vào "Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đường sắt" trong dự thảo Luật Đường sắt mới, được Quốc hội đưa ra thảo luận tại hội trường sáng 30-5.

Sáng 30-5, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đường sắt (sửa đổi).

Trên cơ sở ý kiến góp ý của các đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), sau khi tiếp thu, chỉnh sửa, dự thảo luật mới có 10 Chương (bổ sung 1 chương mới, Chương Quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt), 90 Điều (giảm 5 điều so với dự thảo luật cũ).

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo

Về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trong hoạt động giao thông vận tải đường sắt, có ý kiến đề nghị rà soát, tổng kiểm tra đường ngang để có quy định phù hợp đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa tai nạn đường sắt và với lộ trình hợp lý để xây dựng; quy định cụ thể hơn về hành lang an toàn giao thông; quy định rõ, cụ thể trách nhiệm của các cấp khi tai nạn xảy ra; quy định rõ trách nhiệm bảo vệ (kết cấu hạ tầng đường sắt) KCHTĐS của doanh nghiệp, địa phương, về lối đi dân sinh để quản lý…

Nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các ĐBQH, dự thảo luật đã được rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các quy định có liên quan về trách nhiệm bảo vệ KCHTĐS cho cụ thể, rõ ràng hơn. 

Đối với lối đi dân sinh, báo cáo giải trình đánh giá: "Đây cũng là thực tế tồn tại, cần phải tiếp tục giải quyết cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống". 

Trước thực tế của việc gia tăng số lượng đường ngang, lối dân sinh (số lượng đường ngang năm 2005 có 1.456, đến năm 2015 có 1.498, tăng 42 đường ngang; lối đi dân sinh năm 2005 có 3867, đến năm 2015 có 4309, tăng 442 đường), tai nạn đường sắt  xảy ra chủ yếu tại đường ngang, đường giao cùng mức và tự phát còn nhiều…

Từ đó, "mở lối đi dân sinh" được bổ sung vào "Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đường sắt" trong dự thảo luật mới.

Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đường sắt 

Khoản 3. Mở lối đi dân sinh; xây dựng trái phép cầu vượt, hầm chui, cống hoặc các công trình khác trong phạm vi đất dành cho đường sắt; khoan, đào trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt.

Dự thảo luật cũng giao Chính phủ quy định việc xử lý các vị trí giao cắt không phù hợp; bổ sung, quy định rõ trách nhiệm của UBND các cấp trong việc giao, cho thuê đất dọc hành lang an toàn giao thông đường sắt phải bố trí đất để xây dựng đường gom, cầu vượt, hầm chui, hàng rào để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt; quản lý, tăng cường các điều kiện an toàn giao thông tại lối đi dân sinh; giảm, xóa bỏ các lối đi dân sinh hiện có theo lộ trình; chịu trách nhiệm trong việc phát sinh lối đi dân sinh mới.

Về chính sách phát triển đường sắt, nhiều ý kiến của các vị ĐBQH cho rằng dự thảo luật cần quy định rõ, đầy đủ hơn và mang tính chất đột phá đối với chính sách phát triển ngành đường sắt để (giao thông vận tải) GTVT đường sắt đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống GTVT cả nước...

Nghiên cứu tiếp thu ý kiến tâm huyết, xác đáng của các vị ĐBQH, UBTVQH đã rà soát, chỉnh sửa về chính sách phát triển đường sắt của dự thảo luật.

Theo đó, quy định Nhà nước ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển, bảo trì, bảo vệ KCHTĐS quốc gia, đường sắt đô thị theo quy hoạch phát triển GTVT đường sắt đã được phê duyệt để GTVT đường sắt đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống GTVT cả nước

Về quy hoạch phát triển GTVT đường sắt, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định về quy hoạch phát triển đường sắt cho rõ và cụ thể hơn; quy hoạch kết cấu đường sắt với các ngành vận tải khác phải được đồng bộ, trong đó kinh doanh đường sắt là chủ đạo.

Tiếp thu ý kiến này, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về quy hoạch phát triển GTVT đường sắt. Trong đó, bổ sung quy định đối với nội dung quy hoạch, yêu cầu đối với quy hoạch và làm rõ trách nhiệm lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch phát triển đường sắt đối với từng chủ thể.

Về đường sắt đô thị, có ý kiến đề nghị xem xét lại quy định giao thẩm quyền quyết định tiêu chuẩn kỹ thuật của đường sắt đô thị, quy định cụ thể hơn về đường sắt đô thị trong tình hình thực tế đang phát triển loại đường này.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, trong Dự thảo Luật đã chỉnh sửa, theo đó quy định việc xây dựng, ban hành tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các loại hình đường sắt đô thị thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.