Bổ nhiệm người thân: Biến tướng của tham nhũng

ANTD.VN - Đó là ý kiến của Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) khi nói về công tác phòng chống tham nhũng - vấn đề gây "nóng" nghị trường Quốc hội trong phiên họp ngày 28-10.

PV: Việc lạm dụng quyền lực để đưa người thân vào bộ máy lãnh đạo, phải chăng là biến tướng của tệ nạn tham nhũng đang gây nhức nhối xã hội, thưa ông?

-Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Đó thực chất là biến tướng của tham nhũng, thể hiện các vị trí cán bộ công chức và công việc của công chức trong bộ máy công quyền hiện nay đẻ ra nguồn lợi, quyền lợi. Làm công chức mà ngay ngắn, đúng chính sách chế độ hiện nay không thể giàu được. Vậy mà người ta vẫn cứ đua nhau vào, bố trí cho người thân vào, chứng tỏ tham nhũng tiềm ẩn trong đấy. Vào đấy để cùng nhau tham nhũng và che chắn cho nhau. Đấy chính là cái báo động rất lớn của tình hình phòng chống tham nhũng hiện nay.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 28-10

-Theo ông, cần phải quy định thế nào để ngăn ngừa sự biến tướng này? 

-Tôi cho rằng, Đảng cần bổ sung những quy định đối phó những biến tướng đó. Luật pháp cũng phải như vậy. Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) đang sửa đổi, sắp tới phải đưa vào những quy định ngăn chặn hình thành mối quan hệ thân thích, dòng tộc trong bộ máy của Đảng và Nhà nước.

-Có ý kiến đặt vấn đề cấm bổ nhiệm những người trong một gia đình cùng làm quan trong một địa phương vì dễ dẫn đến câu kết nhau để tham ô, nhũng nhiễu. Quan điểm của ông thế nào?

-Muốn đưa ra giải pháp hợp lý và có khoa học thì phải có nghiên cứu một cách hợp lý, cẩn thận. Chúng ta cũng cần tham khảo thêm quy định của các nước như thế nào để nghiên cứu áp dụng. Nếu đưa ra một giải pháp đơn giản có thể đáp ứng một tình thế nào đó nhưng không giải quyết triệt để được vấn đề. Vì ở đây cũng không loại trừ có những trường hợp ngẫu nhiên anh em cùng làm một cơ quan, vợ chồng cùng làm trong một sở hay một bộ. Đôi khi đó là ngẫu nhiên và bình thường. Điều đó cũng không có tác hại gì.

Theo tôi những gì dính đến chuyện người thân bổ nhiệm lẫn nhau thì phải có quy định để xử lý, song cũng phải xử lý rất khách quan, chặt chẽ. Cần nghiên cứu căn cơ  thấu đáo, rút kinh nghiệm từ các nước chứ không cực đoan.

-Nhiều cử tri cho rằng việc xử lý người đứng đầu chưa tương xứng với số vụ việc tham nhũng được phát hiện...

- Quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu là hết sức đúng nhưng thực hiện còn kém. Nếu thực hiện đúng được nguyên tắc đó, sẽ là một bước đột phá trong PCTN.

Anh là người lãnh đạo mà để cơ quan anh có tham nhũng thì trước hết anh nên từ chức, hoặc bắt anh phải ngưng chức. Còn việc cá nhân anh có tham nhũng hay không, có bao che không thì tính sau. Nhiều nước đã làm việc này. Anh làm Bộ trưởng Bộ Giao thông mà để xảy ra những tai nạn quá lớn thì trước hết trách nhiệm chung thuộc về lĩnh vực của anh thì anh phải từ chức. Nếu xử lý người đứng đầu theo phương thức đó thì sẽ có tác động rất lớn đối với việc PCTN nói riêng và trong nhiều lĩnh vực khác sẽ chuyển biến.

-Dường như, có một số người đứng đầu cho rằng những vụ việc xảy ra trong cơ quan không liên quan đến mình?

-Tại sao công tác PCTN xác định xử lý người đứng đầu là một nguyên tắc, bởi nhiệm vụ của anh là không để xảy ra những sai phạm gây ra những tổn thất, thiệt hại. Nếu xảy ra thì anh không làm tròn nhiệm vụ rồi.

Khi có những sai phạm quá lớn ở địa bàn mình quản lý thì từ chức là một thái độ tự trọng, chính mình bảo vệ danh dự của mình. Xử sự như thế là đúng với quy định quản lý cán bộ của Đảng, của luật pháp và đúng với tinh thần công bộc của dân.

_Nghị quyết Trung ương 4 nói rõ vai trò, cũng như tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu. Ông nghĩ gì về điều này?

-Có một chân lý hàng nghìn năm nay, cứ ở trên ngay ngắn chặt chẽ, nghiêm khắc 100% thì ở dưới sai phạm, nhũng nhiễu, tham nhũng, hành vi trái pháp luật sẽ giảm rất nhiều. Còn ở trên mà không chặt chẽ, thiếu nghiêm túc chỉ 1 li thôi thì ở dưới sẽ đi 1 dặm vì nó sẽ lợi dụng người ở trên. Chúng ta xử lý người đứng đầu chính là áp dụng nguyên tắc này.