Bộ GD-ĐT đề xuất đổi "học phí" thành "giá dịch vụ đào tạo"

ANTD.VN - Theo báo cáo thẩm tra, đa số các ý kiến không nhất trí việc thay thuật ngữ "học phí" bằng "giá dịch vụ đào tạo" như thể hiện trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục do Bộ GD-ĐT trình.

Sáng 30-5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo Quốc hội một số nội dung cơ bản về thực hiện việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH).

Qua 5 năm thi hành, luật đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển GDĐH Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong hệ thống giáo dục song cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập, trở thành những điểm nghẽn, là nút thắt trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GDĐH.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ

“Việc xây dựng dự án luật ngoài việc phát huy các kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật GDĐH năm 2012 còn nhằm thể chế hóa quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn để phát triển và hội nhập quốc tế; đồng bộ với một số luật mới ban hành”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh tính cần thiết của việc ra đời luật.

Về phạm vi sửa đổi, bổ sung và tên luật, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung 31 điều; bổ sung 2 điều mới; bãi bỏ 1 điều và 1 khoản; bãi bỏ cụm từ tại 5 điều; thay thế cụm từ tại 1 điều; đồng thời rà soát chỉnh sửa tên một số điều về mặt kỹ thuật. 

Luật GDĐH sửa đổi đề cập các vấn đề như cơ chế tự chủ, cơ chế quản lý tài chính với các trường đại học, thời gian đào tạo... Theo đó, cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động (chi thường xuyên và đầu tư) và cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm một phần kinh phí hoạt động, có Nghị quyết thông qua của hội đồng trường.

Bộ GD-ĐT cùng các cơ quan quản lý có thẩm quyền sẽ trực tiếp thanh kiểm tra các hoạt động tài chính này.

Đáng chú ý trong dự thảo luật có sửa đổi để chuyển quy định về học phí sang quy định về định giá dịch vụ đào tạo. Theo đó, các dịch vụ do Nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện do các cơ quan nhà nước quy định khung giá. Các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước, cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định mức giá dịch vụ, công bố công khai cho từng năm học, khóa học cùng với thông báo tuyển sinh.

Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: Về giá dịch vụ đào tạo, đa số tán thành việc tính đúng, tính đủ chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo theo cơ chế giá dịch vụ và cho phép cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định mức giá dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước.

"Tuy nhiên, không nhất trí việc thay thuật ngữ "học phí" bằng "giá dịch vụ đào tạo" như thể hiện trong dự thảo luật. Do đó đề nghị cân nhắc sử dụng khái niệm học phí như quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục”, ông Phan Thanh Bình cho biết.

Chiều nay, các đại biểu sẽ thảo luận tại tổ về những nội dung sửa đổi Luật Giáo dục và Luật GDĐH.