Bộ Công an và Thành phố Hà Nội đánh giá thực trạng công tác PCCC trên địa bàn Hà Nội

ANTD.VN - Chiều 31-7, lãnh đạo Bộ Công an và UBND TP Hà Nội đã làm việc với các đơn vị chức năng về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trên địa bàn Thủ đô. 

Bộ trưởng Tô  Lâm phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì buổi làm việc. 

Dự buổi làm việc, về phía Bộ Công an có Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng; Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng...

Về phía TP Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP; Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP…

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, thời gian gần đây, tình hình cháy, nổ trên địa bàn TP Hà Nội có xu hướng gia tăng, thiệt hại lớn về người và tài sản, gây tâm lý lo lắng trong nhân dân.

Đồng chí Bộ trưởng yêu cầu, tại buổi làm việc hôm nay, các cơ quan chức năng của Bộ Công an và UBND TP Hà Nội cần thẳng thắn đánh giá lại tình hình PCCC và hiệu quả công tác này trên địa bàn Thủ đô; từ đó, đưa ra những phương án, giải pháp ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra những điểm cháy phức tạp, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra…

Báo cáo của Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội cho biết, từ năm 2011 trở về đây, trung bình xảy ra từ 600 - 800 vụ cháy/năm, gia tăng cả về số vụ, tính chất thiệt hại về người và tài sản.

Đa phần các vụ cháy diễn ra ở loại hình nhà dân, kho xưởng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, chung cư và nhà tập thể cao tầng. Nguyên nhân là do tốc độ đô thị hóa phát triển nhanh chóng; cơ sở hạ tầng phát triển không đồng bộ; kiến thức, nhận thức về công tác PCCC của người dân và người đứng đầu tại một số cơ sở còn chủ quan, chưa đáp ứng được các yêu cầu PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH)… 

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá công tác PCCC trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, đặc biệt là công tác phòng ngừa, tuyên truyền, cũng như kỹ năng tự phòng cháy, tự cứu nạn.

Công tác kiểm tra xử lý vi phạm PCCC; lực lượng, trang thiết bị PCCC còn mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều giải pháp góp phần nâng cao công tác PCCC và CNCH trên địa bàn Thủ đô thời gian tới.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Tô Lâm cảm ơn sự ủng hộ, phối hợp và giúp đỡ có hiệu quả của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân TP Hà Nội đối với Bộ Công an trong việc đảm bảo an ninh, trật tự nói chung, công tác PCCC và CNCH nói riêng trên địa bàn Thủ đô trong những năm qua. 

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao năng lực, ý thức tự giác PCCC, CNCH; làm sao để từng người dân, từng hộ gia đình, khu dân cư phải làm nòng cốt phối hợp với lực lượng Công an, Cảnh sát PCCC làm tốt công tác phòng, chống cháy, nổ.

Bên cạnh đó, cần chú trọng nâng cao công tác phối hợp, quy định trách nhiệm cụ thể giữa các lực lượng Công an với dân phòng, với bảo vệ dân phố, chính quyền, đoàn thể các cấp trong phòng, chống cháy nổ tại các địa bàn, khu dân cư.

Bộ trưởng Tô Lâm lưu ý, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân TP Hà Nội có quy định trách nhiệm, hướng dẫn trang bị, đầu tư cho cấp phường, cấp xã trong công tác PCCC và CNCH theo phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện những quy định pháp luật, quy chuẩn PCCC; tăng cường tổng kiểm tra các điều kiện an toàn PCCC; nâng cao năng lực cho lực lượng Cảnh sát PCCC, CNCH Thủ đô...