Bịt chặt kẽ hở để tránh lộ, lọt thông tin bí mật của Nhà nước

ANTD.VN - Chiều 13-11, thảo luận tổ tại Quốc hội về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, đa số ĐBQH tán thành sự cần thiết phải ban hành luật này song cũng đề nghị cần xây dựng rõ danh mục bí mật nhà nước cần bảo vệ để tránh tình trạng lợi dụng, cái gì cũng… mật hóa.

ĐBQH Vũ Xuân Hùng (đoàn Thanh Hoá) cho biết, thực tiễn những năm gần đây, tình trạng lộ, lọt bí mật Nhà nước diễn ra khá phổ biến. Do đó, việc xây dựng và ban hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước là rát cần thiết nhằm bịt chặt các kẽ hở để khắc phục tình trạng nêu trên.

ĐB Vũ Xuân Hùng (đoàn Thanh Hóa) góp ý vào dự án Luật bảo vệ bí mật nhà nước

Góp ý cụ thể về phạm vi điều chỉnh ở dự Luật này, ĐB Vũ Xuân Hùng cho rằng, thực tế danh mục “bí mật” ở một số ngành, lĩnh vực bao gồm cả tài liệu nước ngoài chuyển giao cho Việt Nam, do đó nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật sang cả những tài liệu bí mật mà tổ chức, cá nhân nước ngoài chuyển giao cho nước ta.

ĐBQH đoàn Thanh Hóa cũng đề nghị cần nghiên cứu kỹ lưỡng quy định danh mục bí mật nhà nước cần bảo vệ nhằm tránh tình trạng lợi dụng quy định bảo vệ bí mật nhà nước để gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, tăng thêm thủ tục hành chính hay “mật hoá” văn bản để bưng bít thông tin.

Liên quan hành vi bị cấm quy định trong Luật này, ĐB Vũ Xuân Hùng cho rằng, hiện nay do hạn chế nhận thức về bảo vệ bí mật nhà nước và do nhiều lý do khác nhau nên có tình trạng cá nhân, tổ chức tuỳ tiện mang tài liệu bí mật ra ngoài. Do vậy, cần phải quy định cụ thể về các vi bị nghiêm cấm.

Ông Vũ Xuân Hùng cũng băn khoăn khi dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước giao Chủ tịch UBND tỉnh/ thành quyền lập danh mục bí mật nhà nước và cho rằng ở mỗi địa phương có đặc thù khác nhau nên có thể xảy ra tình trạng cùng một danh mục nhưng “độ mật” lại khác nhau, khó có sự không thống nhất.

“Nếu quy định như thế thì dễ bị lợi dụng quy định “mật” để bưng bít thông tin, không phổ biến thông tin vì mục đích riêng. Đặc biệt với những vấn đề nhạy cảm như đất đai, tài nguyên, khoáng sản có khi gây bất lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân. Do đó, để đảm bảo danh mục thống nhất thì nên quy định theo ngành dọc, tức các bộ ngành trung ương đến địa phương để đồng nhất hơn” – ĐB Vũ Xuân Hùng góp ý.

Tại tổ TP HCM, ĐB Dương Ngọc Hải cũng tán thành sự cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước song ông cũng cho rằng, nhiều khái niệm trong dự thảo luật còn chưa rõ.

Đặc biệt, phạm vi “mật” được quy định trong dự luật, theo ĐB Dương Ngọc Hải là còn quá rộng, dẫn đến việc lẽ ra nhiều thông tin có thể cung cấp rộng rãi thì lại bị đóng dấu “Mật”. Ngoài ra, ĐB này cũng đề nghị cần giải thích rõ hơn những căn cứ để quy định thời gian bảo vệ bí mật nhà nước (30 năm với “Tuyệt mật”, 20 với “Tối mật”, 10 với “Mật”)…