Bí thư Thành ủy Hà Nội: Lãnh đạo phải chủ động tìm kiếm người tài

ANTD.VN - Sáng 22-11, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội… dự hội nghị.

Bí thư Thành ủy Hà Nội: Lãnh đạo phải chủ động tìm kiếm người tài ảnh 1Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội nghị

Cán bộ vừa thừa, vừa thiếu

Hiện nay, cán bộ thuộc Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quản lý là 1.038 đồng chí, trong đó cấp thành phố có 586 đồng chí; cấp quận, huyện có 452 đồng chí. Bên cạnh những mặt được, Ban Tổ chức Thành ủy đánh giá, tính tiên phong, gương mẫu, ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của một bộ phận cán bộ, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa cao; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên có mặt chậm được khắc phục; Vẫn còn tư tưởng cục bộ, khép kín, mất đoàn kết nội bộ ở một số địa phương, đơn vị. Một bộ phận cán bộ, công chức ý thức, phẩm chất, năng lực yếu, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, có biểu hiện sách nhiễu, tiêu cực gây khó khăn, bức xúc cho doanh nghiệp và công dân thậm chí vi phạm kỷ luật phải xử lý.

Bên cạnh đó, cơ cấu đội ngũ cán bộ ở một số địa phương, đơn vị còn chưa hợp lý, thiếu đồng bộ, còn tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu”. Công tác quy hoạch cán bộ ở một số cấp ủy, địa phương chưa được quan tâm đúng mức; nhận thức của một số cán bộ về công tác quy hoạch còn chưa đầy đủ, còn có tư tưởng “quy hoạch treo”, khép kín, cục bộ. Đặc biệt, việc thực hiện chế độ tiến cử cũng như miễn nhiệm và từ chức của cán bộ hầu như chưa được thực hiện…

Từ thực tế trên, Thành ủy Hà Nội kiến nghị Trung ương chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong Đảng; rà soát, sửa đổi, bổ sung, cải tiến, rút ngắn, hợp lý hóa, đồng bộ quy trình các khâu của công tác cán bộ; trước mắt, là quy định về phân cấp quản lý cán bộ, về bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; về đánh giá cán bộ, công chức.

Với đặc thù của Đảng bộ thành phố, Hà Nội kiến nghị Trung ương tăng thêm số lượng cán bộ luân chuyển (giữ chức vụ phó bí thư và phó chủ tịch UBND cấp huyện); tăng số lượng cấp phó ở một số quận, huyện, sở, ngành đặc thù, có vị trí đặc biệt quan trọng của Thủ đô; quan tâm luân chuyển, điều động, giữ các vị trí chủ chốt các cơ quan Trung ương và các địa phương; tăng cường đào tạo cán bộ tại chỗ và lâu dài.

Ngoài ra, Hà Nội cũng đề xuất xây dựng cơ chế đặc thù, sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho những người có nhu cầu, tự nguyện xin ra khỏi biên chế khi thực hiện tinh giản theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, Nghị định số 108 của Chính phủ…

Bí thư Thành ủy Hà Nội: Lãnh đạo phải chủ động tìm kiếm người tài ảnh 2Thời gian qua, công tác cán bộ ở Hà Nội đã có nhiều chuyển biến rõ nét

Hà Nội không vội không xong

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đánh giá cao công tác cán bộ của TP Hà Nội với nhiều cách làm mới, mô hình hay. Ban Thường vụ Thành ủy đã cụ thể hóa, thể chế hóa, thực hiện sáng tạo các chỉ đạo của Trung ương một cách bài bản, hiệu quả trong suốt 20 năm qua.

Bài học lớn nhất của Thủ đô là thực hiện công tác cán bộ trong giai đoạn hợp nhất Hà Nội - Hà Tây. “Hà Nội làm tốt nhờ sự tổ chức bài bản và quan trọng là sự hy sinh của cán bộ vì lợi ích chung. Đây là việc lớn nhưng Hà Nội đã làm êm, hiệu quả”, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đánh giá.

Biểu dương Hà Nội thực hiện tốt Nghị quyết 39 của Trung ương về tinh giản, sắp xếp lại bộ máy, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng đây là những kinh nghiệm quý báu. Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng đánh giá cao hệ thống cán bộ thuộc diện Thành ủy Hà Nội quản lý cũng như các chỉ tiêu đánh giá cán bộ của Hà Nội.

Nêu vấn đề đánh giá cán bộ đang là khâu yếu trong khi có đánh giá đúng mới có thể sử dụng, bố trí cán bộ chính xác, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, việc đào tạo, tuyển dụng cán bộ cần chú trọng nhiều tiêu chí mới. Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chia sẻ: “Trước đây, người ta nói “Hà Nội không vội được đâu” đến nay là “Hà Nội không vội không xong”, việc chuyển hóa đấy không dễ dàng gì, là đánh giá quan trọng”.

Đề cập đến vấn đề “chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp”, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đề nghị Hà Nội cần triển khai xây dựng khung cụ thể với cán bộ cấp quận, huyện thị xã để phòng ngừa tiêu cực…

Đề nghị các đơn vị tiếp thu các chỉ đạo sát sao của đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu các cấp ủy đảng phải làm tốt công tác cán bộ, quản lý; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, lắng nghe rộng rãi, đề cao trách nhiệm người đứng đầu… Bên cạnh đó, phải đổi mới, thực hiện hiệu quả các khâu của công tác cán bộ để tìm ra cán bộ có tâm có tài, có tâm có tầm. Đặc biệt, người đứng đầu phải đi tìm cán bộ giỏi chứ không đợi người tài tự tìm đến. “Cán bộ Hà Nội phải gương mẫu, ứng xử thanh lịch. Làm gì thì làm nhưng không có hiệu quả thực sự thì không đạt yêu cầu”, Bí thư Thành ủy yêu cầu.

Bí thư Thành ủy Hà Nội: Lãnh đạo phải chủ động tìm kiếm người tài ảnh 3

Bài học lớn nhất của Thủ đô là thực hiện công tác cán bộ trong giai đoạn hợp nhất Hà Nội - Hà Tây. “Hà Nội làm tốt nhờ sự tổ chức bài bản và quan trọng là sự hy sinh của cán bộ vì lợi ích chung. Đây là việc lớn nhưng Hà Nội đã làm êm, hiệu quả”, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đánh giá.

Thí điểm nhất thể hóa chức danh lãnh đạo Đảng, chính quyền

Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho biết, thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh lãnh đạo Đảng, chính quyền ở cấp xã, cấp huyện, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã lựa chọn 30 xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.

Ngoài ra, có 11 quận, huyện triển khai thực hiện chủ trương này đối với 16 xã, phường, thị trấn. Hiện nay, ở cấp xã có 351 đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch HĐND; 18 đồng chí bí thư là Chủ tịch UBND; ở cấp huyện có 20 đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch HĐND; 1 đồng chí đồng thời là chủ tịch UBND…

Liên quan đến việc này, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi cũng đề xuất nên áp dụng cơ chế không cần HĐND bầu mà bổ nhiệm ngay để khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và quyết liệt hơn và nếu cán bộ không đáp ứng yêu cầu có thể thay thế được ngay. “Cứ vừa làm vừa lo chuyện bầu cử thì không hiệu quả”, ông Hoàng Công Khôi nói.