Bãi đào đãi vàng tại Kim Bôi, Hòa Bình núp bóng đào ao thả cá ở xã Mỵ Hòa

ANTD.VN - Nhiều năm trước, huyện Kim Bôi (Hòa Bình) từng là điểm nóng về khai thác vàng trái phép. Sau một thời gian im ắng vì bị truy quét quyết liệt, từ đầu năm 2017, tình trạng này bắt đầu bùng phát trở lại. 

Thôn Đồng Hòa 1 và Đồng Hòa 2 cách trụ sở UBND xã Mỵ Hòa chỉ độ hơn 100m. Mấy tháng nay, người ta thấy những thửa ruộng nằm dọc con đường bê tông dẫn vào hai thôn này bỗng dưng được quây lưới nilon đen kín mít. Ở bên trong lúc nào cũng ầm ì tiếng máy xúc, máy bơm với những cột nước trắng xóa thi nhau nhả bọt. Điều ngạc nhiên hơn cả là để tiếp cận những “thửa ruộng” này lại không dễ dàng. Gần như 24/24 giờ, nó được canh chừng bởi những tốp thanh niên cởi trần trùng trục, vẻ mặt bặm trợn sẵn sàng gây sự với bất cứ ai mon men đến gần.

Bãi đào đãi vàng tại Kim Bôi, Hòa Bình núp bóng đào ao thả cá ở xã Mỵ Hòa ảnh 1Những thửa ruộng bị băm vằm thành đại công trường khai thác vàng tại xã Mỵ Hòa

“Có nhà báo ra đấy, dừng ngay...”

Bà Lê Thị Đ, một cư dân ở Mỵ Hòa cho biết thực chất bên trong tấm lưới nilon kia là những “công trường” khai thác vàng. “Người ta đào đãi vàng ở đây từ lâu rồi, nhưng có ai hỏi thì họ đều nói là đào ao thả cá. Đào ao kiểu gì mà máy xúc chạy suốt ngày suốt đêm đến hơn nửa năm nay nhưng chẳng ai nhìn thấy hình thù cái ao nó như thế nào? Hơn nữa vùng này là đất đá vôi, có điên mới nghĩ đến chuyện nuôi cá. Mà cứ cho là có nuôi được cá đi chăng nữa thì việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất cả mấy hecta đất lúa kia ai dám cấp phép cho họ?”. Rồi bà Đ suỵt thật khẽ: “Tôi nói các anh không tin thì cứ vào tận nơi mà mục sở thị. Chỉ có điều, đừng nói là tôi tiết lộ kẻo cả nhà tôi không yên với họ”.

Để kiểm chứng những thông tin này, chúng tôi tìm đến nhà ông Trưởng thôn Quách Công Trình đề nghị được tham quan những “công trình nuôi cá” nọ. Sau một hồi ngần ngừ, cuối cùng ông Trình cũng miễn cưỡng đưa phóng viên đi thị sát. Tuy nhiên, dọc đường ông liên tục bấm điện thoại cho ai đó để dặn dò mà không hề e ngại: “Này… có nhà báo ra đấy… dừng ngay… bảo chúng nó dừng hết cho tôi…”.

Bãi vàng trên ruộng lúa

Hơn 1ha ruộng nằm bên trái lối vào thôn Đồng Hòa 1 bây giờ là những hầm, hố, thùng, vũng nham nhở và sâu hàng mét như những hố bom. Xung quanh đất màu bị bốc lên nham nhở đổ bừa bãi trên khắp mặt ruộng. Cạnh đó là những chiếc máy xúc, máy bơm công suất lớn, những thùng phuy đựng dầu, ống dẫn nước ngoại cỡ và các loại dụng cụ nằm ngổn ngang, bừa bãi. Thấy sự có mặt của chúng tôi, tốp thợ đang làm việc đã tắt máy và lảng đi trước khi ném lại những ánh mắt hằn học. Nhìn quang cảnh này khó có thể tin rằng người ta đang đào ao thả cá ở đây. Ông Trình sau khi đưa phóng viên ra đến nơi cũng xin phép cáo lui vì bận việc.

Thế nhưng, chỉ một lát sau, việc tiếp cận những “ao thả cá” này của phóng viên bị ngăn lại bởi sự xuất hiện của một thanh niên dáng người nhỏ thó mặt đằng đằng sát khí. Thanh niên này lớn tiếng tuyên bố: “Đây là đất của tao. Chúng mày thích gì? Vào đây đã xin phép tao chưa?”. Trước khi bỏ đi, thanh niên này không quên dọa dẫm: “Chúng mày cứ đứng đấy, tao sẽ cho bọn trẻ con dạy chúng mày biết thế nào là… lễ phép”. Và sau đó, hầu như mỗi bước đi của chúng tôi đến thăm các “ao thả cá” của thôn Đồng Hòa 2 cũng luôn có sự “giám sát” của những thanh niên lạ mặt.

Chính quyền xã bất lực

Để giảm bớt căng thẳng, chúng tôi đành rút lui trước sự “hộ tống” của những thanh niên tới tận cổng UBND xã. Ông Bùi Xuân Hoàn - Chủ tịch xã Mỵ Hòa lắc đầu ngán ngẩm và thừa nhận: “Nuôi cá nào ở đấy, họ đào vàng thì có. Việc này đã diễn ra từ đầu năm 2017 và chúng tôi đã xuống xử lý, báo cáo huyện rất nhiều lần. Tuy nhiên, dù đã lập biên bản có xử phạt hẳn hoi nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn và xã đang rất khó khăn trong công tác ngăn chặn”.

Theo thông tin từ UBND xã Mỵ Hòa, từ những năm trước ở thôn Đồng Hòa 1, 2 đã diễn ra tình trạng một số người trong xã mua gom ruộng của các hộ dân trong thôn. Từ đầu năm nay, những người mua gom ruộng nói trên dùng chiêu bài lợi dụng dự án nạo vét lòng hồ Đồng Hòa 2 đang trong thời gian thi công để lén lút đưa máy múc vào giả vờ đào ao, nhưng thực chất là đào đất ruộng và xịt xả đáy để khai thác vàng trái phép. Điều đáng lo ngại là số đất bị phá hủy do đào đãi vàng đều là đất 1 vụ lúa và tổng diện tích đã lên tới gần 2ha. Mặc dù UBND xã đã lập biên bản và nhắc nhở nhiều lần nhưng tình trạng này không hề giảm bớt.

Cũng theo ông Hoàn, trong các lần cán bộ xã xuống làm việc có một số đối tượng manh động còn rút dao sẵn sàng “nói chuyện” với cán bộ. Thậm chí xã xuống kiểm tra hôm trước thì hôm sau họ vẫn cho máy móc chạy ầm ầm để đãi vàng công khai như không có chuyện gì. Chưa có con số chính thức nhưng theo ông Hoàn tính toán thì số ruộng mà các đối tượng mua gom đã bị  băm vằm tan hoang khó có thể phục hồi như cũ. Đó là chưa nói đến số đất màu đã bị bóc đi đem bán và nay chỉ còn trơ lại toàn cát sỏi. Tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi thì số diện tích đất nông nghiệp bị phá nát chưa thể dừng ở con số 2ha này.

Trong khi đó, ông Lê Đức Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi lại cho rằng, đây là câu chuyện của xã Mỵ Hòa và cấp cơ sở cần có biện pháp cứng rắn hơn nữa chứ không thể cái gì cũng đẩy lên huyện. “Thực tế huyện Kim Bôi có nhiều xã người dân lợi dụng chính quyền lơ là để khai thác khoáng sản chứ không riêng xã Mỵ Hòa. Ngay như năm 2013 ở xã Bôi Câu, chúng tôi cũng đã truy quét và xử lý một số đối tượng, thu giữ hàng loạt máy móc.

Tình hình ở Mỵ Hòa hiện nay có một số người núp dưới chiêu bài đào ao thả cá để khai thác vàng là sai. Ngay cả việc đào ao thả cá mà chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng đã là sai. Việc này, cấp xã phải chủ động ngăn chặn trước. Bản thân cấp xã xử lý còn lúng túng, sự vào cuộc của các ban ngành còn chưa cao, phương pháp tổ chức còn thụ động. Do đó, chúng tôi yêu cầu UBND xã phải tăng cường công tác quản lý và chịu trách nhiệm ngăn chặn ngay tình trạng này”.

Chính quyền xã “tê liệt”, trong khi “vàng tặc” hoạt động công khai, nếu công tác quản lý đất đai ở Kim Bôi vẫn bị “đá bóng” như hiện nay thì không chỉ có Mỵ Hòa mà cơn lốc khai thác vàng trái phép sẽ còn tiếp diễn sang nhiều địa bàn khác nữa.

Chính quyền xã “tê liệt”, trong khi “vàng tặc” hoạt động công khai, nếu công tác quản lý đất đai ở Kim Bôi vẫn bị “đá bóng” như hiện nay thì không chỉ có Mỵ Hòa mà cơn lốc khai thác vàng trái phép sẽ còn tiếp diễn sang nhiều địa bàn khác nữa.