500 triệu USD bồi thường vụ cá chết: Ưu tiên cho người dân

ANTĐ - Bên lề cuộc họp báo hôm qua, 30-6, trả lời câu hỏi của báo chí, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, số tiền 500 triệu USD bồi thường mà Formosa Hà Tĩnh cam kết chi trả cho Việt Nam sẽ được dành ưu tiên cho người dân, nhất là ngư dân các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do cá chết.

Bên lề cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về các công việc sẽ triển khai tiếp theo sau khi công bố nguyên nhân vụ cá chết, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, số tiền 500 triệu USD bồi thường mà Formosa Hà Tĩnh cam kết chi trả cho Việt Nam sẽ được dành ưu tiên cho người dân, nhất là ngư dân các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do cá chết.

Bộ trưởng nhấn mạnh, FHS đã cam kết và hứa sẽ chi trả ngay số tiền bồi thường 500 triệu USD cho Chính phủ Việt Nam. Ngay sau đây, Chính phủ sẽ giao cho các bộ, ngành và các địa phương xây dựng phương án về bồi thường thiệt hại như: hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, xử lý môi trường bền vững...

“Thủ tướng đã chỉ đạo rà soát, xem xét lại các thủ tục cấp phép, quy chuẩn về môi trường... đặc biệt là điều kiện cấp phép báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin.

Cũng tại cuộc họp báo hôm qua, trả lời câu hỏi “Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép xả thải cho FHS theo tiêu chuẩn Việt Nam như thế nào và trách nhiệm giám sát của Bộ với sự việc xảy ra?”, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đáp: “Về cấp phép đối với FHS, nguồn nước thải bao gồm các nguồn: nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, nước thải từ cảng, nước thải từ sinh hóa, từ xử lý luyện cốc.

Theo Quy chuẩn quốc gia thì có 2 quy chuẩn. Quy chuẩn 40 đối với nước thải công nghiệp. Trên thực tế, Quy chuẩn 40 có kiểm soát nhiều thông số hơn. Còn Quy chuẩn 52 kiểm soát nước thải đối với ngành công nghiệp gang thép, ở mức kiểm soát 12 thông số, tức là yêu cầu thấp hơn một chút, một số thông số như sắt… là chưa kiểm soát”.

Bộ trưởng khẳng định: “Như vậy có thể nói, về mặt quy chuẩn, ngay từ đầu ta chưa tiên lượng được đối với ngành công nghiệp gang thép với lượng nước thải lớn, cần phải tính toán xây dựng như thế nào cho hợp lý và phải bao quát được các thông số. Trong lượng nước thải ra có bao gồm cả nước thải từ cảng, dầu mỡ... thì Quy chuẩn 52 không thể bao quát được. Như vậy, phải áp dụng cả Quy chuẩn 40 và 52 mới đúng. Cách áp dụng có thể nói là chưa sát với tình hình và ta chưa tiên lượng được các nguồn thải của FHS”.

Cơ quan chức năng kiểm tra hệ thống xả thải của Formosa sau sự cố cá chết

Về việc giám sát, Bộ trưởng cho biết, trên thực tế, FHS mới ở giai đoạn chạy thử nhà máy nên chưa có cơ quan nào vào giám sát khi hệ thống vận hành. “Khi họ nói hệ thống đã vận hành ổn định thì cơ quan Nhà nước mới đến. Đây chính là lỗ hổng về mặt pháp luật trong quá trình thẩm định giai đoạn vận hành nên ta đã không kiểm soát được ngay từ đầu các chất nguy hiểm. Về hệ thống giám sát tự động, trên thực tế cũng chưa có cơ quan nào đến để thẩm định, đánh giá và hệ thống này chỉ quan trắc được 6 thông số còn các nguyên tố đặc biệt như: phenol, cyanua và sắt không quan trắc được. Đây là các vấn đề trong quá trình thử nghiệm đã tồn tại và pháp luật rõ ràng là có lỗ hổng nên không có sự giám sát của Trung ương và địa phương trong quá trình lắp đặt và quá trình thử nghiệm”.

Cũng trả lời câu hỏi về trách nhiệm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Vinh đáp: “Chúng tôi cũng thấy trong quá trình vừa qua, vì khả năng có hạn, sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng chưa được thường xuyên và còn nhiều bất cập. Thông qua sự việc này, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm và tiếp tục xử lý những cá nhân giao nhiệm vụ mà chưa hoàn thành…”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết: “Đối với trách nhiệm của cán bộ, công chức trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến sự cố này, dù ở cấp nào cũng sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật tuỳ theo mức độ sai phạm của mình”.

Trong thông cáo báo chí về nguyên nhân gây ra sự cố môi trường khiến hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung nước ta, Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: “Làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những tổ chức, cá nhân sai phạm liên quan đến sự cố môi trường tại các tỉnh miền Trung”.