Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội

50 năm xây dựng và trưởng thành

ANTD.VN -   Ngày 6-1, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội- Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức họp báo giới thiệu quá trình 50 năm xây dựng và trưởng thành của nhà trường.

 Tiền thân là trường Đào tạo Bồi dưỡng Kỹ thuật Nghiệp vụ May mặc được thành lập ngày 19-1-1967, trải qua nhiều lần đổi tên và nâng cấp, ngày 4-6-2015 Trường được nâng cấp thành Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội theo Quyết số 769/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ trên cơ sở tổ chức lại trường Cao đẳng Công nghiệp – Dệt may Thời trang Hà Nội. Hiện nay, nhà trường được giao nhiệm vụ đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề cho 3 ngành trình độ đại học, 11 ngành trình độ cao đẳng và 5 ngành trung cấp chuyên nghiệp, 6 nghề trình độ cao đẳng nghề và 2 nghề trung cấp nghề.

            Trong những năm vừa qua, đội ngũ giảng viên của  nhà trường được quan tâm và đầu tư thích đáng, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của thầy và trò nhà trường. Tính đến năm 2016, nhà trường có 276 giảng viên cơ hữu, trong đó 50% có trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ. Ngoài ra, 100% giảng viên dạy thực hành đều có trình độ chuyên môn đại học trở lên và trình độ kỹ năng nghề bậc 5 phù hợp với chuyên ngành hướng dẫn, 40% giảng viên của trường đã có kinh nghiệm công tác tại doanh nghiệp từ 3- 5 năm. Đây là nhân tố quyết định đảm bảo sinh viên của trường được trang bị kỹ năng thực hành đúng với chuẩn của doanh nghiệp.

Trung tâm Sản xuất dịch vụ của nhà trường với quy mô hơn 600 lao động

            Trải qua nhiều thế hệ, với quy mô ngày càng phát triển, nhà trường luôn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu.  Đặc biệt trường có Trung tâm Sản xuất dịch vụ với quy mô hơn 600 lao động, tương đương với một doanh nghiệp loại vừa, những điểm khác biệt hoàn toàn với các doanh nghiệp là 100% cán bộ của Trung tâm có trình độ đại học trở lên và đã được đào tạo nghiệp vụ sư phạm kỹ thuật để hướng dẫn sinh viên thực tập. Trung tâm có quan hệ với hơn 20 quốc gia/khu vực và trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật, Hàn quốc…Trung tâm đồng thời thực hiện 2 nhiệm vụ: sản xuất và đào tạo. Đây là thế mạnh nổi trội trong công tác đào tạo của trường, giúp học sinh sinh viên được thực tập kỹ thuật, thực tập quản trị kỹ thuật, quản lý doanh nghiệp, ứng dụng mô hình công nghệ mới như LEAN, phương thức sản xuất ODM gắn liền với các nhu cầu của doanh nghiệp. Hàng năm hơn 3.000 lượt HSSV thực tập tại đây.

            Trong chặng đường phát triển 50 năm qua, tập thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên nhà trường đã không ngừng nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, đạt được nhiều thành tích và vinh dự nhận được nhiều phần thưởng cao quý.

            Theo ông Hoàng Xuân Hiệp, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Tr­ường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, nhà trường đang không ngừng lớn mạnh, hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành trường đào tạo nguồn nhân lực hàng đầu cho ngành dệt may Việt Nam, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho Hội nhập quốc tế của toàn ngành trong tương lai, góp phần tích cực thực hiện chủ trương của Đảng là đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.