- Cứ tư duy "có quyền cho nhà đầu tư cái nọ, cái kia" thì rất khó thành công
- Đặc khu kinh tế: Những mô hình thành công trên thế giới
- Luật về đặc khu: Đừng chậm trễ nữa
ĐB Nguyễn Văn Tuyết băn khoăn về vấn đề bảo vệ an ninh - chủ quyền tại các đặc khu kinh tế
Chiều nay, 22-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu kinh tế). Đa số ĐBQH tán thành với sự cần thiết của Luật này, song cũng có không ít ý kiến còn băn khoăn.
Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM), mô hình đặc khu kinh tế nhiều nước cũng đã làm nhưng cũng có nhiều nước đã thất bại, nguyên nhân không phải vì mục tiêu mà do cách làm chưa đúng. Với nước ta, đây là mô hình mới nên càng phải nghiên cứu cho kỹ cách làm phù hợp.
Trong đó, dự luật cần xác định rõ, những dự án đầu tư được cấp phép vào đặc khu phải tạo nội lực cho Việt Nam, đồng thời phải có cơ chế tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia, chủ quyền dân tộc cũng như văn hoá Việt Nam.
Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Văn Tuyết ghi nhận các địa phương có đơn vị dự kiến được thành lập đặc khu kinh tế gồm Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang đều đã chuẩn bị rất tốt, chẳng hạn như Quảng Ninh đã xây dựng và trình được đề án thành lập đặc khu. Quan trọng hơn là tạo đồng thuận của người dân khu vực này.
Tuy nhiên, ông Tuyết lưu ý, địa bàn dự kiến thành lập 3 đơn vị hành chính đặc biệt (gồm Vân Đồn – Quảng Ninh, Bắc Vân Phong – Khánh Hòa và Phú Quốc – Kiên Giang) đều là những nơi có địa bàn chiến lược về quốc phòng an ninh.
Vì vậy, cần làm rõ việc bảo vệ quốc phòng - an ninh tại đây. Ông cũng lưu ý cần đánh giá tác động về việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, an sinh xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư.
Về các ưu đãi đặc biệt tại các đặc khu kinh tế, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, ưu đãi về thuế không phải là tính vượt trội mà chính là môi trường và thủ tục đầu tư. Ngoài ra, cần chú ý mặt trái của các mô hình hành chính – kinh tế đặc biệt, kể cả mô hình đã thành công như về phát triển mất cân đối, đầu cơ đất đai dẫn đến nguy cơ về chủ quyền lãnh thổ, ô nhiễm môi trường...
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng giải trình thêm về dự luật trước Quốc hội
Về mô hình tổ chức đặc khu, trong dự thảo luật, Chính phủ trình hai phương án. Một là không tổ chức HĐND và UBND mà thực hiện thiết chế Trưởng đặc khu do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, được phân quyền, phân cấp mạnh, có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn. Hai là vẫn tổ chức chính quyền địa phương đặc khu gồm có HĐND và UBND.
Đa số ĐBQH thiên về phương án 1 song cũng lưu ý, cần quan tâm cơ giám sát đối với Trưởng đặc khu để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, tránh tình trạng lạm dụng quyền lực.
Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đặc khu kinh tế là mô hình mới ở nước ta, do vậy phải làm từng bước vững chắc, phù hợp ngân sách có hạn. Chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sau đó sẽ tổng kết, đánh giá, có thể nhân rộng thể chế chính sách, mô hình quản lý mới cho các khu khác có đủ điều kiện.
Về chính sách phát triển kinh tế xã hội, Bộ trưởng Dũng khẳng định đủ để đảm bảo cạnh tranh với các đặc khu trên thế giới. Bên cạnh đó, đảm bảo không ưu đãi dàn trải mà chỉ tập trung ngành nghề ưu tiên của từng đặc khu để hạn chế cạnh tranh giữa các đơn vị này với nhau và với các khu đã có trong nước.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, so với các mô hình kinh tế tự do tại Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Myanmar... xét theo 9 tiêu chí, dự Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt của nước ta có tính ưu đãi cho các đặc khu ngang bằng hoặc thuận lợi hơn, trừ thuế. Nếu chủ trương được thông qua, sẽ có 3 Nghị quyết riêng cho 3 đặc khu này.