10 năm mở rộng địa giới: Diện mạo, tầm vóc, vị thế của Hà Nội đã chuyển biến vượt bậc

ANTD.VN - Ý kiến từ các đồng chí nguyên là lãnh đạo của thành phố Hà Nội đều thống nhất khẳng định, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã có sự phát triển vượt bậc cả về quy mô lẫn chất lượng. Diện mạo, tầm vóc và vị thế của Thủ đô được nâng cao…

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị sáng 20-6

Sáng nay, 20-6, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hội nghị đóng góp của các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố vào dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội (1/8/2008-1/8/2018). Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị.

Đô thị ngày càng hiện đại, diện mạo nông thôn đổi mới toàn diện

Trình bày tóm tắt dự thảo báo cáo 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, 10 năm qua, kinh tế của Hà Nội phát triển ổn định ở mức cao và đạt mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, không gian kinh tế mở rộng phát triển.

Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn 10 năm qua tăng gần 2 lần (năm 2017 đạt 519.568 tỷ đồng); thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 86 triệu đồng/ người, gấp 2,3 lần so với năm 2008. Thu chi ngân sách luôn bảo đảm được dự toán trung ương và HĐND TP giao, tự cân đối và đóng góp quan trọng vào ngân sách Trung ương. Năm 2017, thu ngân sách đạt 212.276 tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm 2008.

Diện mạo nông thôn đổi mới toàn diện và rõ rệt. Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo còn 1,69% theo chuẩn mới. Công tác quy hoạch, phát triển không gian, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đặc biệt chú trọng; quy mô và diện mạo đô thị của thành phố đã được mở rộng, thay đổi nhanh chóng theo hướng hiện đại, văn minh.

Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái góp ý vào dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 15

Cùng đó, thành phố cũng thực hiện tốt yêu cầu đảm bảo ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững TTATXH trong mọi tình huống. Hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, hiệu quả. Công tác đối ngoại, hợp tác phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế được mở rộng, ngày càng nâng cao được vị thế, vai trò của Thủ đô trong nước, khu vực và quốc tế.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Thành ủy Hà Nội cũng chỉ rõ 5 hạn chế, yếu kém. Trong đó, quy mô và tốc độ phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; sức cạnh tranh còn thấp; chất lượng công tác quy hoạch còn hạn chế; xây dựng, quản lý phát triển đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu; sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ…

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, trên cơ sở đánh giá chung, Hà Nội đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 15 trong thời gian tới. Mặt khác, Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ và các cơ quan Trung ương tiếp tục thực hiện Luật Thủ đô; Tăng cường phân cấp cho thành phố trong công tác tổ chức cán bộ; Bổ sung một số cơ chế, chính sách tài chính đối với Thủ đô…

Khối lượng công việc khổng lồ, tinh thần nhân dân đều phấn khởi

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị góp ý tại hội nghị

Qua tham luận, góp ý tại hội nghị, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, sự phát triển vượt bậc của Thủ đô trong 10 năm qua đã khẳng định tính đúng đắn, tầm nhìn chiến lược, ý nghĩa lịch sử, thực tiễn lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Sau 10 năm, đời sống của người dân ở các địa bàn hợp nhất về Hà Nội được nâng cao, tinh thần rất phấn khởi. 

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nêu rõ, trước hết, phải nhấn mạnh thành công của chủ trương hợp nhất, mở rộng địa giới hành chính Hà Nội là hết sức đúng đắn. Thực tế khi Quốc hội ban hành nghị quyết 15, bối cảnh lúc đó có nhiều thuận lợi nhưng cũng có muôn vàn thách thức, trong đó có cả tâm lý lo ngại, băn khoăn. "Nhưng đặt câu hỏi ngược lại, nếu không mở rộng vào thời điểm đó thì Hà Nội có đủ không gian, nguồn lực để phát triển như ngày nay không?" - ông Phạm Quang Nghị nói.

Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội phân tích thêm, sau khi mở rộng, khối lượng công việc cần giải quyết của thành phố là vô cùng lớn, nếu tổ chức thực hiện không bài bản, khoa học thì không dễ thành công. "Chính sự chủ động, sáng tạo, tự nguyện, kể cả "hy sinh" của đội ngũ cán bộ và rất trong sáng trong công tác tổ chức, sắp xếp bộ máy; biết sáng suốt lựa chọn việc gì làm trước việc gì làm sau trong lúc bộn bề như vậy... nên Hà Nội đã đạt được thành công như ngày nay" - ông Phạm Quang Nghị nhấn mạnh.

Nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu góp ý tại hội nghị

Nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng chia sẻ, nhìn lại chặng đường 10 năm qua, thành phố Hà Nội đã thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ, lại toàn việc lớn, việc khó. Đầu tiên là hợp nhất địa giới hành chính, hợp nhất chính quyền, sắp xếp bộ máy tổ chức cán bộ, ổn định đội ngũ. Đây là công việc cực khó, đòi hỏi có sự đoàn kết, thống nhất cao và trong đó “có cả sự hy sinh” thì mới thành công được…

“Đến nay, Hà Nội không chỉ còn là một trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa như trước mà đã là một trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Thứ hai là bộ mặt đô thị, kết cấu hạ tầng của thành phố đã thay đổi căn bản, thực sự trở thành một thành phố lớn trên thế giới và đang tiếp tục phát triển trở thành một thành phố hiện đại. Vị thế của Hà Nội được nâng lên rất nhiều” – nguyên Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo phân tích.

Cũng tại hội nghị, các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố đã góp ý, cần nhấn mạnh hơn nữa về việc, trong 10 năm qua, hạ tầng đô thị của Hà Nội đã có những chuyển biến vượt bậc, cơ sở hạ tầng ở các huyện ngoại thành cũng có sự thay đổi mạnh mẽ với nhiều công trình, hạ tầng kỹ thuật xây dựng lớn được đầu tư. Đó là hướng đi đúng và cần đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị, cần chỉ rõ hơn những hạn chế, tồn tại, yếu kém trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 15. Và để khắc phục được các tồn tại, vượt qua được các thách thức hiện nay, các đại biểu đều cho rằng, cần phát huy yếu tố con người, phát huy nội lực của thành phố, đây là điều quan trọng nhất.

Các đại biểu dự hội nghị chụp ảnh chung

Đáng chú ý, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Phùng Hữu Phú và nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu góp ý, Hà Nội nên có các đề tài, tiểu đề tài khoa học hay điều tra xã hội học đánh giá độc lập về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô để đảm bảo khách quan nhất.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trân trọng tiếp thu toàn bộ ý kiến góp ý của các đại biểu để ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII trình Chính phủ, Quốc hội, Ban Bí thư Trung ương Đảng. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, đúng như mong muốn của các đại biểu, báo cáo này phải thực sự là một sản phẩm thể hiện trí tuệ chung của Thủ đô và trong đó cần làm nổi bật hơn vai trò, vị trí, tầm vóc của Thủ đô sau 10 năm mở rộng.

Riêng về ý kiến góp ý cần có điều tra xã hội học, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, thực tế thành phố đã làm việc này và hiện đã điều tra, lấy ý kiến được 2.000 phiếu điều tra và sắp tới sẽ có báo cáo cụ thể để đảm bảo tính khách quan.