Tìm người thay thế HLV trưởng đội tuyển quốc gia:

Muốn cầu tài, trước tiên phải... cầu thị

ANTĐ - Phương án chọn HLV nội thay thế ông Toshiya Miura đã được chốt. Vấn đề lúc này không chỉ là ai sẽ được “chấm” mà Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) có thực sự cầu thị và tạo cơ chế phù hợp cho tân HLV trưởng đội tuyển quốc gia (ĐTQG) hay không. 

Muốn cầu tài, trước tiên phải... cầu thị ảnh 1Cựu HLV trưởng ĐT Việt Nam Hoàng Văn Phúc từng nhận lời “chữa cháy” cho VFF nhưng 
sau đó bị đối xử tệ bạc. Ảnh: Bảo Lâm

Thách thức với thầy nội

Kể từ khi bóng đá Việt Nam hội nhập thể thao khu vực năm 1991 đến nay, ghế HLV trưởng ĐTQG từng được tín nhiệm trao cho 11 ông thầy nội đảm nhiệm (chính thức hoặc tạm quyền), song hầu hết đều không đạt thành tích nào nổi bật. Chức vô địch Đông Nam Á duy nhất - AFF Cup 2008, cho tới lúc này nhờ công HLV người Bồ Đào Nha, Henrique 

Calisto. Đó vừa là cơ hội song cũng là thách thức mà người kế nhiệm sẽ phải đối mặt, vượt qua.

Nếu bỏ qua 2 trận vòng loại World Cup 2018 (chỉ còn là thủ tục do Việt Nam đã sớm bị loại), thời gian để tân HLV trưởng chuẩn bị cho AFF Cup 2016 - giải đấu mà VFF tính đặt mục tiêu phải vô địch, không nhiều. Bên cạnh áp lực về thành tích, tân HLV trưởng sẽ phải tìm ra được một lối chơi phù hợp với tố chất người Việt, xây dựng bản sắc cho đội tuyển và vận hành nó để thu về kết quả đáp ứng kỳ vọng của VFF lẫn người hâm mộ. Cũng bởi thất bại trong việc đáp ứng tiêu chí này mà HLV Miura đã bị VFF thanh lý hợp đồng.

Khác với thầy ngoại, HLV nội phải đối mặt với vấn đề “quân anh, quân tôi”, có thể dẫn đến mất đoàn kết nội bộ, khiến nhiều người tiền nhiệm bị điều tiếng, thậm chí mất ghế. Cựu HLV trưởng ĐTQG Phan Thanh Hùng sau thất bại AFF Cup 2012 và bị VFF thanh lý hợp đồng đã thẳng thắn: “Thành tích đội tuyển không như ý có phần nguyên nhân do một nhóm cầu thủ không thi đấu hết mình”. Đây cũng sẽ là vấn đề mà tân HLV trưởng ĐTQG rất cần phải lưu tâm.

Chờ thiện chí từ VFF

Các HLV người Việt Nam đều thổ lộ rằng giấc mơ lớn nhất đời họ là được dẫn dắt ĐTQG. Thế nhưng nhìn vào những tấm gương đi trước, không ít người phải chùn bước. Cách VFF ngỏ lời mời qua… tin nhắn, hoặc qua người trung gian để thăm dò, rồi khi cần thì mặn ngọt nhờ “chữa cháy”, khi đội tuyển thất bại thì sẵn sàng đem HLV ra làm “tốt thí” khiến người trong cuộc cảm thấy chán ngán và chọn cách từ chối sớm cho… lành. Trong mỗi lần VFF mở cuộc tuyển chọn HLV, người ta lại nhắc lại câu chuyện HLV Falko Goetz nhận tin sa thải khi đang nghỉ lễ Giáng sinh cùng gia đình, hay chuyện HLV Hoàng Văn Phúc nhận cuộc gọi lúc nửa đêm từ quan chức VFF thông báo cách chức ông. Chính cách đối đãi hiền tài như vậy của VFF đã ngăn cản những khát khao cống hiến.

Ở cuộc tuyển chọn lần này, HLV Lê Huỳnh Đức và HLV Nguyễn Hữu Thắng được Hội đồng HLV quốc gia tiến cử. Đây cũng là 2 gương mặt quen thuộc mà trong quá khứ, VFF đã từng “ướm” vào ghế HLV trưởng. Nhưng cái cách đặt vấn đề qua… điện thoại rất thiếu tôn trọng, cùng gương của những người tiền nhiệm khiến cả Huỳnh Đức và Hữu Thắng đều từ chối dù bản thân mỗi người luôn khát khao được cống hiến. Còn ở lần này, VFF cho thấy thiện chí và sự cầu thị khi cho biết sẽ tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của từng ứng viên trước khi báo cáo Thường trực để đưa ra quyết định cuối cùng. Và ít nhiều, người ta đã thấy tín hiệu tích cực khi một trong 2 ứng viên - HLV Hữu Thắng, lên tiếng: “Khi VFF có thiện chí, thể hiện sự tôn trọng trong lời mời, tôi sẽ cân nhắc nghiêm túc. Tôi luôn khát khao và sẵn sàng cống hiến cho đội tuyển”.

Một vấn đề nữa đang đặt ra với VFF, đó là cơ chế cho thầy nội. Thực tế cho thấy, mỗi khi thầy ngoại yêu cầu điều gì thường được VFF đáp ứng ngay, trong khi thầy nội thì không như thế, thậm chí VFF còn can thiệp quá sâu vào chuyên môn vốn được ví là “bất khả xâm phạm” của HLV trưởng. Chừng nào VFF chưa cầu thị, thay đổi cách đối đãi với thầy nội, thì “chất xám” Việt vẫn tiếp tục bị lãng phí và giấc mơ vô địch SEA Games, vươn tầm châu lục vẫn là giấc mơ xa vời với bóng đá Việt Nam.