Vương Tâm với "Nước mắt thời gian"

ANTĐ - Mới đây, nhà thơ Vương Tâm đã cho ra mắt bạn đọc tập Ký chân dung văn nghệ sĩ thứ hai, với cái tên “Nước mắt thời gian” (NXB HNV-2016). Khác với tập ký chân dung đầu tiên “Gió thổi khúc tình yêu”, in cách đây 3 năm, lần này ông đã mở rộng đối tượng viết thuộc các lĩnh vực nghệ thuật khác như người mẫu, nhiếp ảnh. Chúng tôi đã có dịp trao đổi với ông, những điều mà bạn đọc quan tâm về các nhân vật, trong tập sách này. 

- PV: Với cái tên “Nước mắt thời gian”, ông muốn gửi tới bạn đọc thông điệp gì?

 Nhà thơ Vương Tâm: Đó là những nỗi niềm còn đọng lại với thời gian cần chia sẻ với cuộc sống, qua mỗi câu chuyện kể về nghệ sĩ. Nhất là tình cảm thiêng liêng và sâu sắc của những người nghệ sĩ như họa sĩ Đặng Ái Việt hay nhà nhiếp ảnh Trần Hồng… đã dành cả cuộc đời nghệ thuật của mình cho hàng ngàn bà mẹ anh hùng. Mỗi tác phẩm của họ đều chan chứa nước mắt của những người mẹ đã mất đi những người con thân yêu, hy sinh cho cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc.

Đó còn là nước mắt của người nghệ sĩ khi miêu tả về cuộc sống của những bà mẹ anh hùng sau năm tháng sống trong cô đơn, khó khăn nhưng vẫn tự hào về những người con thân yêu đã dâng hiến cuộc đời cho đất nước. 

Bên cạnh đó còn là những giọt nước mắt âm thầm của những nghệ sĩ trong hoạt động nghệ thuật. Họ có nhiều tâm sự cảm thông và ẩn chứa trong trái tim khi đối diện với mọi hoàn cảnh cần gánh vác trong hiện thực. Những sáng tạo của các nghệ sĩ để đọng lại với thời gian là những góc khuất trong tâm hồn luôn mong muốn vỗ về an ủi cuộc sống. Chính vì lẽ đó, đối với tôi mỗi chân dung văn nghệ sĩ là một sự khám phá ở họ, những góc khuất trong tâm hồn.

- Khi viết một bài ký chân dung văn nghệ sĩ ông quan tâm tới điều gì trước hết?

Đó là tính cách của mỗi người khi được miêu tả. Cũng như trong hội họa vậy, cái thần của nhân vật phải nổi bật chứ không phải chỉ là giống hệt từ nếp nhăn đến cái râu, cái tóc của từng người.

Tôi lấy ví dụ khi viết chân dung nhà văn Y Ban chẳng hạn. Đã có nhiều tác giả đã viết chân dung Y Ban. Họ đã quan tâm tới góc nhìn mạnh mẽ, theo hướng “Dương” năng động, bốp chát và có phần đáo để của Y Ban.

Với tôi lại phát hiện ở Y Ban những góc khuất khác ngỡ như ít nổi trội, nhưng lại lắng sâu trong tâm hồn, và đó mới chính là Y Ban ngoài những ồn ào, trầm luân thế sự.

Không ít lần tôi đã chứng kiến những giọt nước mắt của nữ văn sĩ này đã khóc vì những hoàn cảnh khó khăn và đau khổ của bạn bè, đồng nghiệp và những hoàn cảnh đáng thương của người đời.

Tôi vẫn không quên những mùi vị các món ăn ngon mà nhà văn Y Ban đã từng thết đãi bạn bè…Y Ban năng động trong sự nghiệp văn chương bao nhiêu thì lại cũng thường nhiệt tình lo lắng cho những khó khăn của gia đình, con cái và bạn bè bấy nhiêu…

Đó là phần “đàn bà” nhất của nhà văn Y Ban, và đó cũng chính là nền tảng của ngọn nguồn cảm xúc sáng tạo của nhà văn.

- Có khi nào ông bị chính những văn nghệ sĩ mình viết phản ứng hoặc khiếu kiện vì những điều mình viết không vừa lòng họ?

Không một chỉ một lần, bởi tâm lý hầu hết là khi viết chân dung văn nghệ sĩ thường đề cập tới những thành tựu, ưu ái nhấn mạnh tới những điều tốt đẹp, thiên hướng ca ngợi là chính. Vậy khi đề cập tới những góc khuất và “thóc mách” những điều bất thường, kín đáo riêng tư của nhân vật thường bị phản ứng là điều tự nhiên.

Sự thật, đó mới là hình ảnh chân thực mà nhân vật tôi thường quan tâm, và là một phần không thể thiếu khi miêu tả họ. Nhưng đó không phải cố tình bịa đặt, bêu xấu mà chính xuất phát từ tình yêu của tôi với nhân vật mà cần phải nói cho ra cái góc cạnh chân thực nhất mà thôi. 

Trên văn đàn đã từng có những nhà văn, nhà thơ viết chân dung cũng đã gây nhiều dư luận trái chiều và những phản ứng không ít gay gắt cũng chỉ vì dám “vẽ” những sự thật “trái khoáy” của nhân vật mà chính họ rất yêu thương.

Biết sao được, bởi mỗi nhân vật đều thể hiện qua những câu chuyện được kể với những giọng điệu khác nhau, khi hài hước, khi ẩn dụ, tinh tế, khi giả định và kể cả châm biếm để làm nổi bật tính cách con người. Và đó cũng chính là nghệ thuật viết chân dung mà mỗi nhà văn cần ứng dụng thích hợp cho mỗi đối tượng mình quan tâm.

Tôi đã từng bị nhân vật của mình gọi điện mắng chỉ vì không gọi tên mà lại dùng đại từ nhân xưng là “Hắn”, và diễn tả có chút hài hước về những hành vi “dị hợm” thường ngày của “Hắn”. Nhưng quả thật phải “vẽ” theo lối “Hý họa” mới ra được cái chất “nghệ” của nhân vật. Nếu viết cách khác, chọn chi tiết khác sẽ trở thành chuyện người tốt việc tốt ngay. Đó là cái khó khi viết chân dung văn nghệ sĩ.

- Vậy ông có tiếp tục cho ra đời tập chân dung thứ ba trong thời gian tới?

Tôi đã có kế hoạch tiếp tục hoàn thành tập chân dung văn nghệ sĩ mới trong hai năm nữa, với những chân dung thú vị và nổi bật trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật. Có những nhân vật người ta đã viết “nát” ra rồi nhưng tôi vẫn có những điều thú vị về họ và sẽ có những phát hiện mới, hay nói chính xác đó là những bổ sung cùng với cách “vẽ” của mình làm cho nhân vật sinh động và đáng yêu hơn.

Thực ra, viết chân dung văn nghệ sĩ cũng đòi hỏi có những nét đặc thù nhất định như cách kể chuyện, xử lý chi tiết hay bố cục độc đáo mới hấp dẫn được người đọc. Bởi mỗi cuộc đời văn nghệ sĩ là một quá trình lao động sáng tạo, trải nghiệm hết sức phức tạp, đa dạng được thể hiện sâu sắc, qua những tác phẩm. Chân dung họ đáng để cho bạn đọc ngưỡng mộ, học hỏi và tin yêu.