Họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ

"Vẫn thấy cha trên những con đường"

ANTĐ - Căn hộ ấm áp trên tầng 4 chung cư C4 làng Quốc  tế Thăng Long như một gallery tranh, thư pháp, đồ cổ và hoa tươi bốn mùa. Phòng vẽ có balcony hoa tím, đang chật thêm vì tranh mới được vẽ hàng ngày, trong đó có chân dung thi sĩ Hoàng Trung Thông. Chủ nhân của không gian ấy là họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ, người thông hiểu văn chương nghệ thuật đến mức có biệt danh Vỹ “Google”.

Gia đình nhỏ của họa sĩ với người vợ đẹp dịu dàng và cô con gái giống ông nội như đúc, đang bận rộn. Sáng mai 22-4, tại Viện Văn học, 20 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, diễn ra Tọa đàm nhân 20 năm mất nhà thơ, cựu Viện trưởng Hoàng Trung Thông (1925-1993).

“Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” trong “Bài ca vỡ đất” (1948); “Bộ đội về làng”; “Thuyền lên Ba Bể”; “Những cánh buồm”... đã sống trong ký ức nhiều thế hệ độc giả. Hoàng Trung Thông còn là nhà nghiên cứu, dịch giả xuất sắc, nhà thư pháp tài hoa. Con trai út của ông, Hoàng Phượng Vỹ, một trong các họa sĩ tên tuổi của Mỹ thuật Việt Nam đương đại, trò chuyện với ANTĐ Cuối tuần, không chỉ những điều ít người biết về cha anh.

- Tường nhà anh treo bức sơn dầu “Cuộc chơi” (155x170cm, Giải thưởng Asean 1998), làm tôi nhớ, anh gặt hái nhiều giải, 4 triển lãm cá nhân tại Việt Nam và Thái Lan (2002), Hồng Kông (2004); triển lãm nhóm tại Singapore, Hàn Quốc, Canada, Mỹ, Australia. Anh là người con nổi tiếng nhất của Hoàng Trung Thông?

- Không, tôi làm nghệ thuật nên nhiều người biết hơn thôi. Chị cả tôi, Bích Hồng, kỹ sư vô tuyến điện, chồng là GS.TS Vật lý, đang sống với con gái thứ 2 ở Namur (Bỉ). Chị Bích Liên từng du học Liên Xô, biết 5 ngoại ngữ, kỹ sư đo lường điện tử, chồng là GS.TS, nguyên Cục trưởng Cục Đo lường quân đội. Anh trai tôi là Giám đốc đại diện thép Zamil của Ảrập Xêút. Các anh chị đều thành đạt và... giàu hơn tôi (Cười).

- Gen, môi trường gia đình đầy không khí văn chương thế, sao thế hệ con cháu thi sĩ, chỉ có anh theo nghệ thuật?

- Bố mẹ tôi đều là người làng Quỳnh, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An - làng lừng danh hiếu học và đỗ đạt. Mẹ tôi tên Hoa. Yêu thương vợ, bố tôi đặt tên các con mang tên hoa: Bích Hồng, Bích Liên, Bích Hà, Hướng Dương, Phượng Vỹ. Cả nhà đều là “mọt sách”, chăm đọc văn chương từ nhỏ. Cha tôi không muốn con theo nghiệp văn, sẽ đau khổ, cực nhọc cả đời.

- Nhà thơ Hoàng Trung Thông chơi với nhiều họa sĩ, có phải vì thế nên anh theo hội họa? Nhà văn Kim Lân hướng các con vào nghiệp vẽ từ thơ ấu, bởi ông thích tranh và biết phát huy quan hệ với các họa sĩ nổi tiếng, bố anh cũng dư điều kiện ấy!

- Không, theo hội họa là quyết định của tôi. Bố tôi gần gũi với Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Vi Kiến Minh. Chơi với các họa sĩ tương hợp, nên ông hay ngồi quán rượu, ra quán để gặp bạn bè. Tôi thường được mẹ sai đi gọi bố về, ra đến nơi, các bác bảo: “Để bố về, cháu ở lại”. Tôi vâng lời, nên có cơ may biết nhiều danh họa.

- Được biết anh và đạo diễn Nguyễn Thanh Vân thân nhau từ bé, rồi cùng học trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Nhưng đường đến điện ảnh của Thanh Vân suôn sẻ hơn anh đến với hội họa?

- Bố tôi sớm mồ côi cha, tự lực vươn lên. Ông cũng muốn thế với các con mình. Chưa khi nào bố tôi dùng uy tín quan hệ giúp con, dù thời trước, nhiều việc chỉ cần có lời nhờ. Tôi thân Thanh Vân từ lúc cấp II, đánh bóng bàn ở CLB Đoàn Kết mà gặp nhau. Tới cấp III, tôi toàn đi bộ về chợ Mơ học trường Bạch Mai, khi có thể học trường Lý Thường Kiệt cùng Thanh Vân gần nhà, nếu bố nói với cấp dưới. Tốt nghiệp ĐH Kiến trúc, chưa xin được việc làm, tôi làm công nhân xây dựng. Một KTS đánh vữa, khuân gạch (không có găng tay) ở Bích Câu; theo đoàn làm phim vào Huế, Đà Nẵng, trợ lý họa sĩ phim “Đứa con người lính” (Đạo diễn Châu Huế). Tiếp đến là đo đạc di tích Huế theo hợp đồng của Trung tâm Bảo tồn Di tích của KTS Hoàng Đạo Kính, về xưởng Thiết kế công trình của khoa Kiến trúc, ĐH Xây dựng. Giờ là họa sĩ tự do.

- Những công trình của KTS Hoàng Phượng Vỹ đã làm?

- Tham gia cải tạo Khách sạn Kim Liên và thiết kế nhiều biệt thự tư nhân. Năm 1989, tôi bắt đầu vẽ đen - trắng minh họa cho tuần báo Văn nghệ. Xem thường các bức vẽ mực nho trên giấy can của tôi, danh họa Nguyễn Sáng khuyên tôi chuyển sang hội họa.

- Nhà thơ Hoàng Trung Thông từng là Tổng Biên tập Báo Văn nghệ những năm 60; Vụ trưởng Vụ Văn nghệ Ban Tuyên giáo TƯ những năm 70 thế kỷ trước. Song chất “siêu gàn” của Quỳnh Lưu làm ông từ chối các cơ hội tốt cho mình và gia đình?

- Đúng vậy, làm Viện trưởng Viện Văn học (1976 -1985), bố tôi đã từ chối học hàm Giáo sư ngay đợt phong đầu tiên, từ chối lên Ủy viên Trung ương Đảng năm 1976. Chuyện chịu ở nhà chật, nhường suất du học nước ngoài của con mình cho con người khác là... thường.

- “Những cánh buồm” là tình cảm cha con hòa vào khát vọng được đi đến nhiều nơi trong sự thanh bình trước biển. Bài thơ này cha anh viết cho ai? 

- “Những cánh buồm” (1963) là cảnh bố tôi dắt con trai Hướng Dương - anh tôi, dạo bãi biển Sầm Sơn. Lúc ấy chiến tranh, cha viết êm đềm, khát vọng của ông thật đẹp: muốn đi nhiều nơi theo cánh buồm trắng của con. “Thơ cho con” (1967) là bài dành cho tôi, không hay bằng bài trên, viết khi tôi 5 tuổi, sơ tán ở Thanh Oai, Thạch Thất cùng bà nội. Khi chị thứ Bích Liên du học Moskva, còn lại 4 chị em, bố tôi làm thơ vui: “Bốn con ngồi bốn chân giường/ Cha hời cha hỡi cha thương con nào?/ Không thường thằng út hay sao/ Út oi còi cọc lẽ nào chả thương”. 

- Mẹ anh, bà Hồ Thị Hoa (1929-2010) là một phụ nữ đẹp người đẹp nết. Bà chính là người góp phần làm nên sự nghiệp cho bố anh và khiến ông làm... ít thơ tình. Tôi hỏi thế, vì đa số thi sĩ làm thơ tình không lấy cảm hứng từ vợ.

- Một thời, nghệ sĩ phải quên tình cảm cá nhân, làm thơ tuyên truyền cổ vũ, bố tôi ít thơ tình, vì phải “làm gương” khi giữ các cương vị quản lý. Bố tôi hết sức trân trọng mẹ tôi. Bà cả đời hiền hậu, chịu đựng, không bao giờ nói to, chứ không nói là quát mắng, đánh con. Bao cấp thiếu thốn, bố tôi lại đông bạn, mẹ xoay xở cơm, rượu tiếp bạn chồng triền miên, là kỳ tích. Mẹ tôi không một lần kêu ca. Gày mảnh, tóc búi, nhai trầu, xách làn đi chợ Hôm, bà còn tranh thủ quét lá về đun. Thỉnh thoảng nhà thơ Xuân Diệu đi nói chuyện ở các lâm trường, xí nghiệp, lấy nhuận bút bằng hiện vật, lại xin mùn cưa và củi chia cho nhà tôi. Cả đời mẹ tôi ăn cuối bữa, nhường chồng, con.

- Với vị trí của bố anh lúc đó, lẽ ra gia đình anh phải dư điều kiện chứ, sao lại vất vả thế?

- Như đã nói, bố tôi gàn “đồ Nghệ”, toàn tự nguyện nhận thua thiệt, từ chối cả tiêu chuẩn của mình. Viện trưởng duy nhất không có phòng, bàn ghế làm việc riêng là bố tôi, ông có tiêu chuẩn ôtô Lada trắng đưa đón, không đi, lại đi bộ hoặc đạp xe Thống Nhất. Bố tôi về Hà Nội năm 1954, đến 1956  thì mẹ tôi đưa bà nội và 2 chị gái tôi ra. Lúc đầu chỉ ở 6m2, có gác xép, sau thêm phòng 30m2, toilet, bếp chung. Mẹ tôi nuôi mấy con gà trong chuồng ở sân. Bà luôn ngăn các con làm lụng, bảo cứ học bài, để mẹ làm. Chúng tôi đều biết đỡ đần mẹ, song mẹ vất vả lắm. Khi chúng tôi nhỏ, mẹ còn phải hứng nước đêm, xách lên gác 2. Sáu hộ chen nhau xếp hàng chờ 1 vòi nước chảy rất bé, mẹ thức đêm nhiều. Mẹ hy sinh suốt đời, làm đến lao lực. May 10 năm cuối đời mẹ, chúng tôi đã đưa được mẹ đi chơi TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu (thăm chị gái ông Thông), ăn ngon. Không sao bù đắp bao năm tận tụy, vị tha vô bờ của mẹ.

- Kinh tế khó khăn, lại liêm khiết, sao cha anh vẫn duy trì được những thú chơi sang tao nhã: Uống rượu, sưu tập đồ cổ, thư pháp?

- Bố tôi uống rượu nhiều khi già, mà mẹ chẳng khi nào cáu, trách. Ông đổi bản thảo, thư pháp cho ông Bổng Hàng Buồm và Lâm “toét“ (cà phê Lâm - Nguyễn Hữu Huân) lấy bát, chóe cổ thời Hán, Lý, Trần. Ông chỉ trổ tài thư pháp khi rất say. Viết trên giấy hồng điều, croquis. Bút lông và mực, nghiên mực được họa sĩ Huỳnh Văn Gấm, Mai Văn Hiến tặng. Danh họa tranh lụa Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) còn chỉ cho ông Thông 8 cách viết thư pháp và tặng bút nhiều lần.

- Thổ nhưỡng, linh khí Hà Nội nuôi lớn và tác động tới anh thế nào?

- Mẹ sinh tôi tại nhà sinh tư 47 Trần Quốc Toản, nơi có cây đại già, nay cảnh đã thay đổi. Bố tôi là con ông đồ nho, thông hiểu Hán học, thạo tiếng Anh, Nga, Pháp lại giao du nhiều tên tuổi lớn, gia đình tôi luôn lịch sự, dân chủ, nền nếp, yêu thương, hiểu biết và đề cao thiên nhiên, nghệ thuật. 

- Có bố nổi tiếng, con thường được nhờ. Còn anh, thẳng thắn và thành thực mà nói, là con Hoàng Trung Thông, anh được gì?

- Nghiện thuốc lá và có khả năng uống rượu (Cười). Được hưởng gen, môi trường nghệ thuật và chịu áp lực lớn để thoát khỏi bóng cha.

- Thoát được rồi! Tranh của anh có tại 3 gallery lớn nhất Hà Nội. Tài sản của anh hiện có là lượng tranh sơn dầu, bột màu?

- Cha tôi mất đi, để lại tủ sách lớn, bộ sưu tập cổ vật và các cuốn thư pháp Trung Quốc. Phòng vẽ của tôi đang giữ bàn viết, tủ sách và đèn chụp của ông - kỷ vật vô giá. Tài sản tinh thần giá trị nhất mà tôi có, là biết sáng tạo nghệ thuật, khí chất đàn ông và tự trọng nghề nghiệp. Tôi cố gắng được như cha: ông không đổ tội, trách móc, đòi hỏi ai; chăm phê phán, chế giễu, mổ xẻ bản thân. Cha mẹ truyền cho chúng tôi trí nhớ tốt, tính nhịn nhường và phóng khoáng.

- Anh đã chuyển về Cầu Giấy từ 2003, vậy ngôi nhà 70 Ngô Quyền bảo quản ra sao?

- Chị thứ ba của tôi, Bích Hà, không có chồng con, sống ở đấy. Trước kia khi chúng tôi nhỏ, trưa chủ nhật là bữa tươi. Giờ chúng tôi luống tuổi, ở riêng, vẫn về nhà cũ mỗi Chủ nhật. Vẫn còn hàng rào dâm bụt, cây hòe vỉa hè đã vào thơ cha tôi, cầu thang gỗ và không gian gần như lúc còn mẹ cha.

- Ở thành phố Vinh, có đường Hoàng Trung Thông từ tháng 1-2011, anh biết chứ?

- Tôi vừa biết đầu tháng 4 này, nhờ một ông lão cùng làng làm cuốn sách 45 người con ưu tú của làng Quỳnh, có cha tôi, đọc sách tôi mới biết. Đại gia đình chúng tôi tại Hà Nội đã họp: dịp 30-4 này thuê xe về thăm làng, nhà từ đường và ra thành phố Vinh chụp ảnh trên đường Hoàng Trung Thông.

- Anh có mong một ngày kia, Thủ đô có con phố nhỏ mang tên cha mình?

- Tên cha được đặt tên đường phố, dù lớn hay nhỏ, đều là niềm tự hào của dòng họ. Sinh thời, cha tôi yêu Hà Nội. Chết đi, cha tôi nằm trong đất thiêng này (Khu A, Nghĩa trang Văn Điển). Các con đường nội ô cha tôi đều đặt chân. Tôi vẫn gặp cha khắp những con đường Hà thành đầy ký ức.