Người phố kể chuyện làng

ANTĐ - Hiếm khi diễn đàn nhiếp ảnh lại có dịp xôn xao về một bộ ảnh “chất” như “Ký ức làng” của Nguyễn Hữu Bảo. Vẫn là làng - đề tài không mới, không cũ, nhưng ảnh của Nguyễn Hữu Bảo khác đám đông ở chỗ không đi vào hình thức, mà mỗi tác phẩm đều có một tiếng nói, một câu chuyện. 

Người phố kể chuyện làng ảnh 1“Thôn nữ” - 1993

“Sự chớp mắt dài lâu”

Nói như họa sỹ Lê Thiết Cương thì ảnh của Nguyễn Hữu Bảo không phải ảnh nghệ thuật, không phải ảnh báo chí mà nó đứng ở giữa, có thể đặt tên là ảnh câu chuyện. Bởi vì sao, cũng là ngõ xóm, ao làng, đình làng, mùa gặt… nhưng Nguyễn Hữu Bảo không “cưỡi ngựa xem hoa”, không chỉ lấy tiêu chí đẹp làm trọng như ảnh nghệ thuật, mà ông đã đưa vào mỗi bức ảnh một câu chuyện ẩn bên trong, đôi khi là một tiếng nói, đôi khi chỉ là lời thầm thì, nhắc nhở, gợi sự liên tưởng. Nó giống như một “sự chớp mắt dài lâu”, càng xem càng cảm, càng xem càng thấm thía. Nguyễn Hữu Bảo đã mở rộng phạm trù làng ra ngoài làng quê châu thổ sông Hồng, vì trong ảnh của ông, làng còn là buôn, là bản, là cuộc sống cư dân  vùng biển…

Làng còn là những người chị, người mẹ tần tảo đôi quang gánh, là những đứa trẻ bưng bát cơm vội vã, là những thanh niên trai tráng trở về nhà sau chuyến đi biển dài ngày… Ảnh của Nguyễn Hữu Bảo không nhờ cậy đến sắp đặt, dàn dựng mà tôn trọng sự trung thực và tự sự thật đã cất lên tiếng nói. Ông tâm sự, tất cả những nhân vật trong bức ảnh ông đều không quen, nhưng nhìn vào ông đều cảm giác họ như người nhà của mình. Chỉ duy nhất một người quen, đó là cố nghệ sỹ Y Moan được ông chụp năm 1993, khi người nghệ sỹ đang đàn hát say sưa giữa núi rừng. 

Chụp nhiều ảnh về làng, nhưng Nguyễn Hữu Bảo rất ngại cái gọi là sứ mệnh, hay trách nhiệm truyền tải điều gì đó lớn lao đến công chúng. Ý tưởng của ông  là những tác phẩm của “Ký ức làng” có thể cho người bạn nước ngoài thấy thực tế cuộc sống thường ngày của người Việt, tuy nghèo những vẫn hồn nhiên, dung dị. 

Người phố kể chuyện làng ảnh 2“Đường về nhà” - 1993

Kho ảnh sắp… vỡ rồi!

Nguyễn Hữu Bảo có thể gọi là người “ngoại đạo”. Ông là phóng viên của Tạp chí Xưa và Nay, lại là một nhà nghiên cứu lịch sử, công tác tại Hội Sử học Việt Nam. Ấy vậy mà ông đã có nhiều cuộc triển lãm ảnh trong  và ngoài nước. Lần trưng bày này được Nguyễn Hữu Bảo xem là lần “lộ chân dung” của mình trước công chúng, cũng được ông chia sẻ là sau một thời gian đem chuông đi đánh xứ người, nay đem chuông… về nước.

Là một người Hà Nội chính gốc, tức là chẳng có chất “nông thôn” nào nhưng Nguyễn Hữu Bảo tự gắn bó với làng quê Việt. Ông cho rằng, không người Việt Nam nào lại không có cội rễ làng trong máu của mình. Làng là nơi chứng kiến biết bao giông bão, buồn vui, khổ đau, hạnh phúc… của một kiếp người. Yêu làng, trăn trở với làng, nhưng ông cũng hẹn trước: “Kho ảnh của tôi sắp vỡ rồi. Sau ký ức làng, còn ký ức Hà Nội, ký ức ngõ…”. Có lẽ nhiều người biết đến Nguyễn Hữu Bảo là chồng của NSND Như Quỳnh, nhưng không biết rằng cả 3 người anh em của ông cũng làm trong ngành điện ảnh.

Sống trong một gia đình điện ảnh, có vợ và các anh em đều gắn bó với môn nghệ thuật thứ bảy, nhưng ông lại dành tình yêu đặc biệt với nhiếp ảnh. Nói như ông, thì ông theo nhiếp ảnh giống như một nhu cầu tự thân: “Tôi chụp ảnh không vì sáng tác. Tôi chụp cho mình. Nó như một nhu cầu khát thì uống, đói thì ăn. Tôi không trèo đèo lội suối, “sinh tử” với nó”. Hơn thế, mối nhân duyên đặc biệt ấy còn bắt nguồn từ  bức ảnh ông chụp em trai mình trong cuộc trao trả tù binh năm 1973. Đến bây giờ khi được hỏi chuyện, ông vẫn mang tấm ảnh ấy ra khoe, đó là bức ảnh đầu tiên trong cuộc đời mà ông tâm đắc. 

Người phố kể chuyện làng ảnh 3 “Đốt rơm ngày mùa” (Gia Lâm, Hà Nội) - 2001

 Triển lãm ảnh “Ký ức làng” trưng bày 60 tác phẩm của Nguyễn Hữu Bảo được thực hiện từ năm 1993 trở lại đây, được trưng bày tại Hàng Da              Galleria, Hoàn Kiếm, Hà Nội đến ngày 15-10.