Biệt thự cổ Đà Lạt trong tranh của Vi Quốc Hiệp
Người thực hiện… kế hoạch 5 năm
Vi Quốc Hiệp không nằm trong “danh sách” những người “khùng” của Đà Lạt. Và anh cũng không tìm kiếm sự “khùng” để thêm nổi tiếng. Nhưng đến Đà Lạt, hỏi họa sĩ Vi Quốc Hiệp ai cũng biết. Có người còn đùa: “À, ông họa sĩ bán Đà Lạt đắt hàng nhất, lạ gì”.
Đến Gallery của anh tại 72 Khu quy hoạch Yersin, phường 9, Đà Lạt, Vi Quốc Hiệp đang tất bật với triển lãm cá nhân. Anh đang rất vui, vì đây là lần thứ 3 anh thực hiện được “kế hoạch 5 năm” do tự mình đặt ra. Lần đầu là năm 2003, khi đó Đà Lạt tròn 110 tuổi, Vi Quốc Hiệp bày 110 tranh. Đến năm 2008, 115 tranh. Và 2013 này, 120 bức tranh, trong đó có tới 100 bức về biệt thự cổ - một trong những di sản đặc sắc của Đà Lạt, số còn lại là hoa và thiếu nữ.
Tự làm khó mình là cách riêng của Vi Quốc Hiệp. Anh gây áp lực cho mình, phải vẽ, phải sáng tạo, phải làm mới mình. “Đặt ra kế hoạch để mình có động lực, chứ không sẽ rất dễ làm biếng. Còn vẽ xong, những bức tranh đó được mọi người khen - chê thế nào, đón nhận hay… ruồng bỏ, lại là chuyện khác”, Vi Quốc Hiệp nói, rồi cười.
Triển lãm năm nay, Vi Quốc Hiệp chọn chủ đề “Biệt thự cổ Đà Lạt, 35 năm - một hoài vọng”. Đây là cách riêng của anh để đánh dấu 35 năm gắn bó với vùng đất Đà Lạt, đồng thời hướng tới kỉ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển.
“Đắt hàng” vì biết “bán”
Có lúc Đà Lạt lên cơn sốt đất. Khắp cả thành phố người ta lùng sục tìm đất để mua. Nhiều người tranh thủ cơ hội ấy bán. Vi Quốc Hiệp không có đất để bán. Anh cũng không có tiền để mua. Anh đứng bên rìa của cơn sốt ấy.
Nhưng trong lòng anh thì đang sôi réo, đó là chuyện về những ngôi biệt thự cổ ở Đà Lạt đang bị biến dạng và biến mất. Hàng ngày, sống và thở với mảnh đất mà anh trân quý như quê hương, Vi Quốc Hiệp xót xa trước cảnh ngày càng vắng đi những ngôi biệt thự cổ ẩn mình dưới bóng thông già. Và sương, và hoa cũng đang từ từ biến mất. Thành phố mộng mơ cứ dần trơ ra, thưa vắng cái lãng mạn. “Tôi nghĩ là Đà Lạt hiện nay bị tàn phá nhiều quá rồi. Tôi ước mơ trở lại Đà Lạt xưa, chỉ có đồi núi, thông reo, biệt thự cổ, và những con đường dốc quanh co thế thì mới hấp dẫn khách du lịch. Giờ Đà Lạt phù hoa quá nhiều”, Vi Quốc Hiệp nói.
Vì thế anh lao vào vẽ. Vẽ say sưa như sợ Đà Lạt sẽ phôi phai rồi tan biến. Chủ đề biệt thự cổ Đà Lạt dường như là chủ đạo trong các triển lãm gần đây của anh. Nó không còn mới, nhưng vẫn rất “tình”. Và vẫn đưa người xem trở về với một Đà Lạt sương khói của riêng Vi Quốc Hiệp, như là 35 năm trước anh đã chứng kiến và “phải lòng”.
Chính điều ấy đã làm nên cái duyên trong tranh Vi Quốc Hiệp, để cứ sau mỗi lần triển lãm, căn phòng của anh lại trở nên trống trải, bởi những bức tranh đã “bỏ anh mà đi, đến với những không gian mới”.
Hỏi rằng anh có phải là người “bán” Đà Lạt được nhiều và đắt nhất không, Vi Quốc Hiệp thật thà: “Chắc là “một trong số những người” thôi. Có thể vẫn có họa sĩ bán được nhiều nhưng họ không nói. Vì họ sợ phải khao bạn bè và… đóng thuế. Còn mình thì sống vẫn thoải mái, vô tư. Vừa rồi triển lãm khai mạc bày 120 bức, có người mua một lúc 60 bức, mình vui lắm. Nhưng mình liền giảm giá 50% như một món quà tri ân vị Việt kiều yêu Đà Lạt đó”.
Họa sĩ Vi Quốc Hiệp sinh năm 1948 tại Lạng Sơn, là người Tày “chính hiệu”. Năm 1960, anh là thí sinh con em dân tộc ít người duy nhất trúng tuyển vào hệ trung học dài hạn Trường Mỹ thuật Việt Nam. Sau 7 năm học, Vi Quốc Hiệp tốt nghiệp trung cấp hạng ưu, được chuyển tiếp Đại học Mỹ thuật. Năm 1978, Vi Quốc Hiệp nhận công tác tại Sở VH-TT Lâm Đồng. Từ lần gặp gỡ “định mệnh” ấy, đất và người cùng với thiên nhiên nơi đây đã đi vào trong thơ, nhạc, họa của Vi Quốc Hiệp.