Nghệ sỹ Bàng Nhất Linh: Chiến tranh qua góc nhìn 8X

ANTĐ - Sinh ra ở ngõ chợ Khâm Thiên - Hà Nội năm 1983, không hề biết đến chiến tranh nhưng ký ức của những ngày Khâm Thiên bị ném bom rải thảm dù qua lời kể của ông bà, cha mẹ  vẫn  thực sự là nỗi ám ảnh đối với Bàng Nhất Linh. Để rồi khi trưởng thành, những câu chuyện đó đã đi theo anh vào nghệ thuật…

Các vật dụng thời chiến mà Nhất linh sưu tầm được. 

Ký ức không màu xám

Dùng tới ngôn ngữ của loại hình nghệ thuật mới-video art và sắp đặt, nghệ sỹ Bàng Nhất Linh không có ý định sẽ khơi lại nỗi mất mát, đau thương của cuộc chiến đã lùi xa mà đó là góc nhìn của những người sinh sau chiến tranh, nhìn lại thời ông bà, bố mẹ đã đi qua cuộc chiến. Chính vì thế, triển lãm “Sinh năm 1983-Khâm Thiên” là một cách làm gợi nhớ về chiến tranh, góc nhìn lạc quan và tươi tắn. Từ đuôi một chiếc máy bay bị bắn hạ, Nhất Linh đã mua về, gia công lại thêm vào những tay vịn, phần ghế ngồi để trở thành một chiếc bập bênh dành cho trẻ em. Không ít em nhỏ khi đến triển lãm của anh đã phát hiện rất nhanh chiếc bập bênh lạ mắt này và không ngần ngại thử chơi với chúng. Những hình ảnh đó đã khiến cho nỗi đau về chiến tranh được tiết chế và kéo thế hệ ngày nay xích lại gần với những người đã từng đi qua cuộc chiến, những người vẫn mang trên mình dấu ấn của chiến tranh. 

Cũng tại triển lãm, người xem còn gặp lại những đồ vật thời chiến như những mảnh vỡ máy bay, vỏ đạn được tái chế thành các đồ dùng hàng ngày. Một chiếc lược, cặp tóc được chạm trổ đẹp mắt, một chiếc khung ảnh thời chiến được làm từ mảnh bom bị bắn rơi. Ở đó có gắn những tấm ảnh đã ngả màu thời gian về một đám cưới giản dị thời chiến. Triển lãm còn tạo ra một không gian nghệ thuật nhỏ bằng việc đề tựa những câu thơ mà Nhất Linh tâm đắc về chiến tranh như Chỉ ánh trăng là có/Còn tiếng bom là không (Chế Lan Viên) bên cạnh những đồ vật được chế tác. Chính vì thế, bên cạnh góc nhìn lạc quan về chiến tranh thì triển lãm còn tạo ra được những góc nhìn khá lãng mạn. 

Chiếc đuôi máy bay đã được Nhất Linh gia công thành chiếc bập bênh

“Chiến tranh luôn vảng vất quanh tôi”

Nhưng những gì nhắc đến chiến tranh trong căn phòng này chỉ như hạt cát, so với cả một sa mạc lớn. Còn Bàng Nhất Linh, một người sinh ra sau chiến tranh để tạo nên cuộc triển lãm này đã phải mất nhiều năm như con kiến nhỏ, cần mẫn sưu tầm đồ vật thời chiến. Cuộc triển lãm sắp đặt của anh kéo dài chưa tới 1 tháng, từ ngày 5 đến 28-9 nhưng để có đủ các đồ vật trưng bày, Nhất Linh cũng mất một thời gian dài lặn lội đi tìm những mảnh vụn của chiến tranh. Nói là “mảnh” cũng phải vì những thứ anh mua lại hay xin được chỉ nho nhỏ như các vật dụng trong gia đình, còn thứ lớn nhất mà Nhất Linh sưu tầm được có lẽ phải kể đến chiếc đuôi máy bay anh đã may mắn mua được trong một lần thanh lý kho. 

Có nhiều lý do để Nhất Linh tìm về quá khứ nhưng có một lý do anh khá chắc chắn là “Những cảm giác về chiến tranh luôn vảng vất xung quanh tôi. Nơi tôi sinh ra và lớn lên– khu Khâm Thiên là nơi đã chịu những sự thảm khốc nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam. Tôi lớn lên với những câu chuyện ký ức của người thân về những ngày bi thảm đó, và chơi đùa bên những hố bom đầy nước như những cái ao nhỏ”. Khi lớn lên một chút, Nhất Linh tìm đến những thứ được viết ra từ chiến tranh để mong hiểu hơn về nó như “Nỗi buồn chiến tranh” –Nhà văn Bảo Ninh, về “hội chứng Việt Nam” trong cuốn sách “Sinh ngày 4/7”… 

Nỗi ám ảnh về chiến tranh không chỉ đến với những người đã từng đi qua những giây phút sinh tử trên chiến trường mà còn đến với chính con em họ, thế hệ sinh ra không biết đến bom đạn. Nhất Linh với triển lãm “Sinh năm 1983- Khâm Thiên” đã cho mọi người thấy sự kỳ công và những trăn trở của người trẻ về cuộc chiến đã đi qua như thế nào. Không có một ngôn từ hay hình ảnh nào trong triển lãm đề cập đến Khâm Thiên nhưng những ký ức được kể lại từ người thân như mạch nối dẫn dắt anh đến với những ý tưởng lạc quan và góc nhìn cởi mở về cuộc chiến đã khép lại trên đất nước Việt Nam  hơn 30 năm.