Kỷ niệm 1 năm ngày mất nhà văn Tô Hoài: Nụ cười của con người đầy bản lĩnh

ANTĐ - Với những người từng gặp gỡ và làm việc cùng nhà văn Tô Hoài, nụ cười hóm hỉnh của nhà văn luôn để lại những ấn tượng sâu sắc. Nụ cười ấy vừa trẻ thơ láu lỉnh vừa trầm tư sâu lắng. 

Kỷ niệm 1 năm ngày mất nhà văn Tô Hoài: Nụ cười của con người đầy bản lĩnh ảnh 1Tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi nổi tiếng của nhà văn Tô Hoài “Dế mèn phiêu lưu ký”.

Nụ cười của bản lĩnh và trí tuệ

Tô Hoài nổi tiếng là người biến những việc tưởng như trầm trọng thành nhẹ bẫng. Ở trong những tình huống căng thẳng nhất, người khác có thể cáu gắt và luống cuống nhưng ông vẫn cứ cười, cứ bĩnh tĩnh và tự tin. Nụ cười ấy còn thể hiện bản lĩnh và trí tuệ của nhà văn Tô Hoài. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn nhớ một lần Báo Người Hà Nội bị “tuýt còi” vì đăng bài thơ “Sám hối” của Trịnh Thanh Sơn. Cấp trên yêu cầu thu hồi toàn bộ số báo. Trong lúc nữ nhà thơ (khi ấy đang giữ chức Phó Tổng biên tập) lo ngay ngáy thì Tổng biên tập Tô Hoài xem như không có chuyện gì. 

Cuộc họp kiểm điểm giữa lãnh đạo tờ báo và cơ quan chủ quản diễn ra trong không khí nặng nề, nhiều lời chỉ trích được đưa ra. Tô Hoài mặt không biến sắc, điềm nhiên ngồi nghe. Ông còn quay sang nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, khẽ nháy mắt cười. Đến lượt mình phát biểu, nhà văn chậm rãi nói: “Tác giả bài thơ viết, nếu sống lại tuổi trẻ sẽ đi ngược con đường anh ta đã đi, ví như anh ta sẽ không làm thơ nữa mà sẽ học làm kỹ thuật chẳng hạn, theo tôi là được. Mà cứ cho tác giả có ẩn ý gì đi nữa, báo của chúng ta dám đăng thì chỉ chứng minh là đường lối của ta đã thực sự cởi mở, ai cũng có quyền nói thật quan điểm của mình”.

Vì nể tên tuổi của nhà văn Tô Hoài cùng với lập luận đưa ra khá sắc bén, các vị lãnh đạo văn nghệ nghe xong đều nhìn nhau im lặng. Không có lệnh thu hồi bằng văn bản nào được đưa ra, vụ việc coi như đã giải quyết xong. Hôm ấy ra về, nhà văn Tô Hoài hỏi nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: “Cô thấy thế nào? Cái gì cũng sợ xanh mặt và cuống lên như cô là hỏng hết bánh kẹo nhá”. 

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến khi đang thực hiện bài phóng sự, điều tra dài kỳ trên báo Người Hà Nội nhưng gặp trở ngại từ nhiều phía. Lúc đó, chính ông đã động viên anh phóng viên trẻ: “Cậu cứ tiếp tục viết loạt bài này đi. Chắc cậu còn ngại áp lực từ nhiều phía hả, để việc đấy cho tớ. Nên nhớ, đây là tờ báo mà Tô Hoài là Tổng biên tập nhé”. Rồi ông nheo mắt nhìn Nguyễn Việt Chiến, nở nụ cười hóm hỉnh.

Nụ cười ấy cho đến ngày hôm nay, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến vẫn nhớ như in. Nó không chỉ giải tỏa nỗi phiền muộn của người đang chịu áp lực mà còn tạo ra điểm tựa cho Nguyễn Việt Chiến tự tin thực hiện loạt bài viết. Tài ứng phó của nhà văn Tô Hoài với sự tinh quái, khôn ngoan và khéo léo đều được thể hiện qua nụ cười của một bậc trưởng lão làng văn Việt Nam. Không riêng gì nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, nhiều cây bút phóng sự khác từng viết cho Báo Người Hà Nội đều thán phục bản lĩnh Tô Hoài, một bản lĩnh văn chương, báo chí rất sắc sảo, từng trải và uyên thâm. 

Một đời văn tủm tỉm nụ cười

Nụ cười của nhà văn Tô Hoài đã đi vào tác phẩm của ông trong cái nhìn hóm hỉnh được liệt vào hạng nhất văn đàn Việt. Nhà văn viết ra những điều ông quan sát thấy như không cần làm văn chương, không cần hư cấu, thêm mắm muối gì cũng đã là văn rồi, một thứ văn hài hước, sắc sảo và sâu cay nhưng vẫn gần gũi với đời sống thực hàng ngày.

Trong phần lớn các tác phẩm của nhà văn Tô Hoài đều thể hiện khả năng tự phân tích, tự phê phán và tự giễu nhại. Nhân vật tôi xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm của ông đi cùng các nhân vật đám đông dân dã di chuyển và trò chuyện cùng dòng chảy của lịch sử, trong các biến thiên của thời cuộc. Trong cách ông miêu tả dáng vẻ bề ngoài, tập tính của những con vật từng gắn bó với cuộc đời ông từ tuổi ấu thơ luôn lấp lánh nụ cười. Đặc biệt, sự sắc sảo, hóm hỉnh của ông còn thể hiện rất rõ ở cách đánh giá, nhận định về con người, sự việc và tác phẩm văn chương của đồng nghiệp. 

Trong một lần ngồi tán chuyện với bạn bè, Tô Hoài đưa ra nhận xét: “Mấy tay làm thơ trẻ hôm nay cũng tào lao lắm đấy, thơ tự do có vẻ khệnh khạng, làm ra vẻ mới mà chả thấy tứ thơ đâu cả. Không hiểu đấy có thể gọi là thơ được không nhỉ! Hay là tớ già rồi, không theo kịp được những đổi thay của thi ca đương đại? Theo mình, thơ phải có tứ, thơ cốt phải hay, phải rung động lòng người, thơ mới mà không hay không có tư tưởng thì thơ tào lao chứ còn gì nữa…”. Nói xong ông lại cười. Rõ ràng đây là những nhận định rất sâu sắc và thấu đáo.

Nhà văn Tô Hoài đánh giá cao thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc với kết luận: “Các cậu nên nhớ, phẩm chất thi sỹ là quan trọng số một đối với người làm thơ và muốn có nó, phải lao động ngôn ngữ cật lực đấy nhé. Tớ thích tuyên ngôn của Lê Đạt Thơ là một lạng cảm hứng cộng với một tạ mồ hôi. Các cậu cứ thế mà làm...”. Có lẽ vì thế, cả cuộc đời này ông đã lao động nghệ thuật nghiêm túc và để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm văn học để đời. Nhớ đến nhà văn Tô Hoài, người đọc sẽ nhớ đến một người văn và một đời văn tủm tỉm nụ cười. Bằng cuộc đời và trang viết, nhà văn như nhắn nhủ với mỗi người rằng “Cuộc đời là như vậy đấy. Ai gắn bó và yêu thương nó thực thà, sẽ luôn tràn đầy cảm hứng”.