Đừng “công nghiệp hóa” dịch thuật

ANTĐ - Cụm từ “Thảm họa dịch thuật” giờ xem ra đã trở thành quen tai bởi cứ dăm bữa nửa tháng người ta lại phát hiện ra những lỗi dịch rất…hài hước trên một tác phẩm văn học nào đó. Khi bị dư luận “truy” thì dịch giả đổ tại khâu biên tập, biên tập viên NXB thì đổ tại rất nhiều nguyên nhân khách quan.  Nhận định về những vấn đề của dịch sách văn học trong thời điểm hiện tại, nhà văn, dịch giả Ông Văn Tùng cho rằng đó là điều đáng tiếc bởi lâu nay vấn đề này luôn bị xem nhẹ.

Ảnh: Internet

- PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về những dịch giả vài chục năm về trước và thời điểm hiện tại?

- Nhà văn, dịch giả Ông Văn Tùng: Tôi phải nói thẳng thế này, vấn đề dịch thuật, đặc biệt là văn học dịch lâu nay bị xem nhẹ. Trước Cách mạng Tháng Tám mà cụ thể hơn là từ năm 1954 trở về trước, các dịch giả lớn như Chu Mạnh Trinh, Đào Duy Anh rồi Nhượng Tống… họ coi việc dịch thuật thiêng liêng lắm. Họ dịch thơ, dịch văn không kém sáng tác là mấy, thậm chí còn hơn cả sáng tác. 

-  Để dịch mà như sáng tác, theo ông dịch giả phải hội đủ những yếu tố gì?

- Có một điều tôi luôn tâm đắc là thế này, nhà văn thì có hàng nghìn, nhưng dịch giả chỉ có hàng chục. Dịch được một tác phẩm văn học không đơn giản, trước hết phải rành ngôn ngữ của người ta. Rồi cũng phải hiểu biết cặn kẽ về văn hóa, truyền thống của họ, nghĩa là anh phải hiểu sâu sắc về ngôn từ, điển cố, biện pháp tu từ. Tôi nói cụ thể hơn là nếu không hiểu về văn hóa Việt Nam, tôi đố dịch giả nước ngoài nào dịch được câu “Con Lạc cháu Hồng đấy” hay như kể về đời oan khổ của Thúy Kiều ở lầu xanh, Nguyễn Du viết “Dập dìu lá gió, cành chim. Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh”- câu này tả cảnh đưa đón khách làng chơi, nhưng phải hiểu điển tích thì mới biết mà dịch. Còn một tiêu chuẩn nữa, ngoài giỏi ngoại ngữ, anh còn phải là nhà văn, nhà thơ.

- Trên văn đàn hiện có  2 luồng ý kiến tranh luận, một số dịch giả và bạn đọc cho là người dịch nên trung thành với bản thảo, dịch nguyên nghĩa, không né tránh và một luồng ý kiến khác cho rằng, đối với những từ kiểu như chửi thề hay tục tĩu nên nói giảm nói tránh. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

- Tôi đã dịch rất nhiều tác phẩm, gặp không ít cảnh nhân vật với những lời nói tục tĩu. Ở đây mình phải lựa ngữ cảnh mà dịch cho chuẩn, cho sát. Khúc xạ của văn hóa hay ở chỗ, nhìn thì nhìn thật thẳng, nói thì nói cong, độc giả đọc đương nhiên hiểu, mà lại là hiểu sâu. Đó mới là cách dịch cao tay. 

- Trong giới xuất bản lâu nay vẫn đồn về chuyện “bán danh” trong dịch thuật. Theo ông, chuyện này có không?

- Chả phải bây giờ mới có chuyện đó đâu. Cái đó không thể gọi là văn chương được mà là tổ hợp sản xuất, kiểu như đóng một cái bàn thì chia ra từng công đoạn, người làm mặt bàn, người làm chân bàn rồi lắp ghép lại. Đó là sự “công nghiệp hóa dịch thuật”!

- Điều này gây thiệt thòi gì cho bạn đọc khi tồn tại ngành công nghiệp dịch thuật và người dịch lại không rành về văn hóa của tác giả - tác phẩm mà mình đang dịch?

- Tôi không gọi là thiệt thòi mà gọi là nguy hiểm. Đó đâu có phải là sản phẩm văn chương. Nếu không rành về văn hóa thì người dịch chỉ như trượt trên miếng ván, rất nhanh.

- Người ta hay dùng từ “thảm họa” để chỉ những tác phẩm dịch tồi, dịch ẩu, theo ông từ đó có chính xác không?

- Không thể gọi là “Thảm họa dịch thuật” mà chính xác phải gọi là  “Thảm họa làm chuyện dịch thuật”, bởi họ đâu có coi dịch thuật cũng là văn chương, đó chỉ là công cụ kiếm gạo cầu cơm cắt đi xén lại mà thôi. 

- Trong dịch thuật, cần phải có tiêu chuẩn gì , thưa ông?

- Có chứ, đó là “Tín” rồi sau đến “Nhã” sau cùng mới đến “Giỏi”. Tôi cũng phải nói thêm rằng, học được ngoại ngữ và trở thành dịch giả là con đường vô cùng khó khăn. Có một thực tế là, nghề dịch thuật bấy lâu nay vẫn bị coi thường, trong khi nó cũng hội đủ sự đứng đắn, tài hoa, uyên bác.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!