Nhà thơ Thái Thuận Minh:

"Đo hạnh phúc" của đàn bà trong đàn ông

ANTĐ - Bao nhiêu hỉ, nộ, ái, ố được phơi bày trên trang giấy thì cũng là từng ấy các khuôn mặt đàn bà, từ hiền dịu, đoan trang, bao dung, đến nổi loạn, phóng khoáng… hiện lên trong thơ Thái Thuận Minh. Đó cũng là cách mà nhà thơ sinh năm 1978 này “đo hạnh phúc” trong đàn ông, khi lần đầu chị “chạm ngõ” thơ ca. 

Nhà thơ Thái Thuận Minh bên tập thơ  “Đàn bà đo hạnh phúc trong quanh quẩn đàn ông”

Tự “thậm xưng” nỗi buồn 

Nếu chỉ đọc “Đàn bà đo hạnh phúc trong quanh quẩn đàn ông” mà không gặp Thái Thuận Minh một lần, chắc ai cũng có cảm nghĩ chị hẳn phải là người cam chịu, bi lụy lắm. Thế nên khi gặp người phụ nữ nhỏ nhắn với nụ cười rạng rỡ, tươi tắn thì thật bất ngờ. Nhà thơ sinh năm 1978 chia sẻ, đã là người làm thơ thì phải mang vác cái “thập giá khổ sai”, nhiều khi phải “thậm xưng” nỗi buồn của người khác.

Với những người quen biết chị thì sự “thậm xưng” ấy không có gì là lạ, nhưng với những người mới gặp chị thì quả thực là rất đáng tò mò, bởi ở chị toát lên vẻ viên mãn, hạnh phúc. Chẳng thế mà bút danh Thái Thuận Minh, được chị trìu mến và yêu thương ghép vào từ tên chị, chồng chị và cậu con trai út.

Tốt nghiệp Học viện Tài chính và đang công tác tại FPT Telecom, Thái Thuận Minh tự nhận là người ngoại đạo trong văn chương. Sáng tác từ rất sớm và có truyện ngắn đăng trên Báo Sinh viên Việt Nam, nhưng Thái Thuận Minh gác tất cả lại, như một lẽ tự nhiên, để toàn tâm toàn ý chăm sóc cho tổ ấm và sự nghiệp của mình. Suy cho cùng, suy nghĩ của chị cũng không khác với những nhà thơ “rẽ ngang” khác, vì văn chương vốn chỉ là “cuộc chơi bên lề”. 

Ở tuổi gần 40, Thái Thuận Minh bất ngờ quay trở lại địa hạt văn chương với “Đàn bà đo hạnh phúc trong quanh quẩn đàn ông”. Và chính chị, cũng không thể ngờ gần như ngay lập tức tập thơ đã được độc giả đón nhận nhiệt thành. Hai nghìn cuốn thơ đầu tiên đã được bán hết trong 3 tuần và đang được tiếp tục tái bản. Sự xuất hiện của một “nhà thơ phái đẹp” như Thái Thuận Minh với những dòng thơ đằm thắm, chân thành, nữ tính nhưng cũng tràn đầy nội lực là một phát hiện thú vị trên văn đàn. 

“Nhục cảm thể hiện thân phận của tình yêu”

Điều đầu tiên ấn tượng ở thơ Thái Thuận Minh, đó là chị dám bộc bạch những bí mật, những khát khao rất riêng của đàn bà. Nói như nữ nhà báo Quỳnh Hương, tác giả của cuốn “Trái tim đàn bà”, thì phụ nữ mà viết về những khát khao, nhục cảm thì thường bị đánh giá là thiếu đứng đắn.

Thế nhưng Thái Thuận Minh, trong lần đầu chạm ngõ văn chương đã không tránh né mà nói lên những điều ẩn sâu, giấu kín ấy, bởi theo chị, “Nhục cảm là câu chuyện của tình yêu, cũng là thể hiện thân phận tình yêu”. Có lẽ vì vậy mà có độc giả nam đã nhận xét, thơ Thái Thuận Minh dù có đủ khuôn mặt của đàn bà, từ hiền dịu, đoan trang, bao dung, đến nổi loạn, phóng khoáng… nhưng tất cả đều có chung một khát khao yêu thương và được yêu thương, dù phải “gạt nước mắt đi” hay “lồng lên trong cơn ghen và thấy mình đàn bà nhiều nhất”.

Đọc Thái Thuận Minh, người ta thấy những tâm sự rất “đời” của phụ nữ, khi “Mái tóc dày xác xơ mùi xào rán”, khi “Giấu nũng nịu, yêu thương, hờn dỗi vào xô nước lau nhà”, và “nỗi buồn phơi trên bậu cửa”. Rồi cuối cùng bật lên câu hỏi chua chát “Có phải tình yêu mới là đôi cánh của riêng những người đàn bà phấn son?”.

Những cung bậc cảm xúc đến tê tái, se sắt ấy, nếu không phải được thổ lộ từ một người đàn bà “quanh quẩn” quanh đàn ông thì không thể là từ ai khác. Nói như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, thì đây chính là cái tài của Thái Thuận Minh, nhưng cũng phải cảm ơn thời đại ngày nay, một thời đại cởi mở về giới tính, đã giúp những nhà thơ nữ như Thái Thuận Minh không bị “vo tròn với tam tòng tứ đức cổ xưa” mà tự do cất lên tiếng nói của mình. 

Bằng thơ, Thái Thuận Minh đã đặt ra rất nhiều quan niệm về tình yêu. Rằng “Tình yêu không phải thứ bố thí cửa chùa”. Hay “Nếu chỉ chia nhau tiếng cười, mà không chung nhau tiếng khóc, thì mình yêu nhau chẳng khác gì con nòng nọc, cuống quýt tạp ăn, nguây nguẩy biến hình”. Nhưng đối với chị, chỉ đơn giản, người đàn bà hạnh phúc là người đàn bà của yêu thương. Và nhu cầu được yêu thương ấy rất cần được thổ lộ, để cho những người đàn ông, dù chưa có, đang có hoặc đã đánh mất người đàn bà của mình thấu hiểu và san sẻ.